Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2017

TRIẾT LÝ VỀ HỘI LONG HOA QUA CÁC TÔN GIÁO






Sưu tầm

TIẾT 1: HỘI LONG HOA LÀ GÌ ? 
TIẾT 2: SAO GỌI LÀ MẠT KIẾP?
TIẾT 3: TÌM HIỂU HỘI LONG HOA QUA CÁC TÔN GIÁO
     I.- PHẬT GIÁO
    II.- THIÊN CHÚA GIÁO
    III.- SƯ VÃI BÁN KHOAI
    IV.- PHÁI PHẬT THẦY TÂY AN - BỬU SƠN KỲ HƯƠNG
    V.- PHẬT GIÁO HÒA HẢO
    VI.- ĐẠO CAO ĐÀI
    A. Ngày Phán xét & chuyển thế
        1.  Chuyển thế là gì ?
        2. Luật Thiên điều trị thế


    B. Đã có mấy lần chuyển thế ?
    C. Hội Long Hoa
        1. Hội Long Hoa là gì?
        2. Ba sắc dân được nhận hồng ân đặc biệt
        3. Sao gọi là Đại ân xá kỳ ba? Hội Long Hoa kỳ ba?
        4. Đóng cửa địa ngục và mở Hội Long Hoa năm Tý
    D. Khi nào mở & khi nào bế hội Long Hoa?
    KẾT LUẬN
       VII.- HỘI THÔNG THIÊN HỌC .

TIẾT 1: HỘI LONG HOA LÀ GÌ ?

Càn Khôn Vũ trụ đang tiến hóa, vạn vật đang tiến hóa, và sự tiến hóa sẽ mãi mãi tiếp diễn không ngừng. Con đường tiến hóa thì vô tận, nhưng được chia ra làm nhiều chặng đường, nhiều giai đoạn, tương ứng với những thời kỳ mở Đạo để dạy dỗ nhơn sanh tiến hóa. Sau một giai đoạn tiến hóa thì Đức Chí Tôn mở ra một cuộc thi để  phán xét trình độ đạo đức của nhơn sanh mà thưởng hay phạt. Từ trước tới nay, Đức Chí Tôn đã mở ra ba thời kỳ phổ độ nhơn sanh: Nhứt Kỳ Phổ Độ, Nhị Kỳ Phổ Độ và hiện nay là Tam Kỳ Phổ Độ. Sau mỗi thời kỳ phổ độ, Đức Chí Tôn mở ra một cuộc thi, gọi là Hội Long Hoa.
1. Nhứt Kỳ Phổ Độ có SƠ HỘI LONG HOA THANH VƯƠNG ĐẠI HỘI, Đức Nhiên Đăng Cổ Phật làm Chánh Chủ khảo.
2. Nhị Kỳ Phổ Độ có NHỊ HỘI LONG HOA HỒNG VƯƠNG ĐẠI HỘI, Đức Phật A-Di-Đà làm Chánh Chủ khảo.
3. Tam Kỳ Phổ Độ có TAM HỘI LONG HOA BẠCH VƯƠNG ĐẠI HỘI, Đức Di-Lặc Vương Phật làm Chánh Chủ khảo.
Đạo ví Đời là một học đường vĩ đại, có đủ tất cả bài học từ thấp đến cao, từ ác đến thiện, từ trược đến thanh, để nhơn sanh học hỏi, chứng nghiệm, trau luyện tâm tánh để tiến hóa, mà Hội Long Hoa là Hội thi tuyển và đề thi là đạo đức. Đại Hội Long Hoa Kỳ Ba nầy rất quan trọng, vì là kỳ thi chung kết, chấm dứt Đệ Tam Chuyển, bắt qua Đệ Tứ Chuyển mà khởi đầu của Đệ Tứ Chuyển là Thượng Nguơn Thánh Đức. Cho nên Đại Hội Long Hoa Kỳ Ba nầy có một cuộc biến động dữ dội, để sàng sảy lọc lừa, tuyển chọn những người có trình độ đạo đức tối thiểu mà lập đời Thượng Nguơn Thánh Đức, loại bỏ những phần tử thiếu đạo đức, tức là những phần tử thi rớt. Hội Long Hoa loại bỏ họ bằng cách nào?
- Loại bỏ bằng nhiều cuộc chiến tranh tương tàn tương sát dữ dội, rồi đến tai Trời ách nước như: gió bão, hồng thủy, núi lửa, động đất, rồi tới bịnh chướng sát hại.
- Số người bị loại bỏ chiếm đến 9 phần 10 nhơn loại, chỉ chừa lại có 1 phần 10 là số người thi đậu để lập đời Thánh Đức.
Do đó, ngay trước khi mở Đại Hội Long Hoa, một cuộc tang thương vĩ đại, biến đổi ghê gớm cục diện thế giới để loại bỏ số 9 phần 10 nhơn loại thiếu đạo đức đó, và cuộc biến đổi vĩ đại nầy được các tôn giáo tiên tri gọi là cuộc Tận Thế. Thật ra, không phải tận thế mà chỉ là Chuyển Thế. Đợt khảo thí chung kết nầy là kỳ Phán xét cuối cùng, xảy ra vô cùng dữ dội, vì người thi đậu mới được tồn tại để tuyển chọn người đủ bác ái và công bình, thiết lập một xã hội Đại Đồng của thời Thượng Nguơn Thánh Đức. Đại Hội Long Hoa Kỳ Ba nầy cũng là Đại Hội Điểm Đạo lần ba của Địa cầu 68, là cuộc Điểm Đạo vĩ đại và quan trọng mà tất cả chư Phật, Tiên, Thánh, Thần và những người tiến hóa đủ tiêu chuẩn đạo đức đều  tham dự.
Sau cuộc biến động dữ dội gọi là Tận Thế đó, địa cầu 68 trở lại yên tĩnh, thời tiết trở lại điều hòa tốt đẹp, trược khí tiêu tan, nhơn loại còn lại là những tân dân hiền lương đạo đức, với hình dung tốt đẹp, mạnh khỏe, sống lâu, tạo lập một xã hội Đại Đồng, cùng sống hòa bình với nhau trong tình bác ái và sự công bình. Chư Thánh Tiên Phật sẽ giáng trần tiếp tục hướng dẫn nhơn sanh tu hành tiến hóa cao thêm nữa.


TIẾT 2: SAO GỌI LÀ MẠT KIẾP?

                  Từ “Mạt Kiếp” trong kinh sách Phật giáo được dùng để chỉ thời kỳ cuối cùng của loài người hiện nay, trước khi họ bị huỷ diệt hầu hết. Đôi khi người ta còn đồng nhất từ đó với “tận thế” vốn có mặt trong Kinh Thánh, mặc dù từ này để chỉ thời điểm chấm dứt tồn tại vĩnh viễn sự sống trên Trái Đất nói chung. Các nhà hiền triết cố cũng đã đề cập tới ngày “tận thế“ của nhân loại. Rõ nhất là trong thần thoại Hy Lạp. Theo tín ngưỡng đa thần nay, loài người đã nhiều lần chịu thảm họa diệt chủng và từ đó đã tạo ra những giống người rất khác nhau. Sớm hay muộn thì nhân loại cũng sẽ đi đến giai đoạn phải gánh chịu những thảm họa không thể hình dung nổi.
Các Kinh sách tôn giáo ở phương Đông cũng như phương Tây đều đã từng nói nhiều đến vấn đề “tận thế” - giai đoạn mà toàn bộ nhân loại trên Trái Đất đều sẽ gặp tai ương khủng khiếp nhất. Theo tín đồ Ba Tư giáo, mỗi thời đại có điểm khởi đầu và điểm kết thúc, đó là một chiến trường rộng lớn giữa cái Thiện và cái Ác. Đối với đạo Hồi, ngày “tận thế” cũng được coi đồng nghĩa với sự phán xét. Trong kinh Coran có viết: “Đó là ngày mà tiếng kèn đồng vang lên và bọn ác xanh mắt lên vì kinh hoàng”. Các tín đồ Hồi giáo cũng cho rằng, ngày “tận thế” sẽ được báo trước bởi một thời kỳ suy sụp của mọi giá trị đạo đức.
Theo các đại sư, cứ sau một giai đoạn phát triển nhất định của nền văn minh nhân loại trên Trái Đất thì lại có một cuộc lọc sàng để phán xét sự tiến hóa của con người. Nhân loại chúng ta hiện nay đã trải qua 2 lần lọc sàng và sắp tới sẽ là lần lọc sàng thứ ba. Kể từ khi một lực lượng thần bí nào đó (tạm gọi là Thượng Đế) tạo ra loài người và để cho tiến hóa, thì loài người tiến hóa theo đường vật chất, quên mất nguồn cội và đạo đức tinh thần, vì vậy mà tội ác ngày càng chồng chất. Thượng Đế nhìn thấy chỉ có gia đình ông Nô-ê là còn giữ được đạo đức và công bình. Ngài ban ơn cho Nô-ê, bảo Nô-ê đóng một chiếc thuyền rất lớn, khi có nước lụt dâng cao thì đem tất cả gia đình lên,  lương thực và các sinh vật mỗi loài một cặp trống - mái. Thượng Đế đã gây ra trận Đại hồng thủy, nước ngập mênh mông khắp mặt đất, tiêu diệt hết nhân loại và sinh vật, chỉ còn lại gia đình ông Nô-ê và các loài vật trên thuyền sống sót. Khi nước lụt rút hết, gia đình ông Nô-ê và các loài vật rời khỏi thuyền, lên mặt đất canh tác, tạo ra thực phẩm, tiếp tục sinh sống và phát triển. Từ đó vợ chồng Nô-ê trở thành thủy tổ loài người sau cuộc “tận thế” lần thứ nhất.
Cuộc sàng lọc lần thứ hai có lẽ đã xảy ra với sự sụp đổ của châu lục Atlantide. Sau lần “tận thế” thứ nhất, loài người đã tiến triển qua nhiều thế hệ, dần dần khôn ngoan và tiến bộ hơn, nhưng cũng càng ngày càng hướng vào vật chất, xa lánh đạo đức tinh thần. Con người càng tiến bộ, khôn ngoan hơn thì càng tự kiêu tự đại, khinh rẻ hoặc phủ nhận các vị Thần, Thánh, Tiên, Phật và Thượng Đế. Dấu tích của nền văn minh Atlantide được ghi lại trong các Kim tự tháp ở Ai Cập. Đến kỳ phán xét lần thứ hai của Thượng Đế,. Đã xảy ra trận động đất cực kỳ dữ dội, làm sụp đổ châu Atlantide, tạo thành biển Đại Tây Dương ngày nay. Nền văn minh của châu lục đó đã bị nhấn chìm hoàn toàn xuống đại dương. Nhân loại trở lại thời kỳ phát triển hoang sơ.
Như vậy, qua hai thời kỳ “tận thế” được biết đến nhờ các kinh sách cổ xưa, chúng ta thấy đó chỉ là những cuộc đại phán xét của Thượng Đế đối với nhân loại. Các chư Phật, Tiên, Thánh, Thần đã thi hành đúng theo Luật nhân quả đối với cả nhân loại sau những thời kỳ chuyển luân tiến hóa nhất định.
"Mười hai muôn chín ngàn sáu trăm năm" tức là "một trăm hai mươi chín ngàn sáu trăm (129.600) năm," một thời gian kể ra cũng khá dài để cho nhân loại, chúng sanh tìm hiểu. Khoa học hơn một chút, dựa vào tự điển bách khoa của Mỹ, phần viết về những thời kỳ băng giá (Ice Ages), chúng ta không khỏi ngạc nhiên vì có ít nhiều trùng hợp.
Theo các nghiên cứu của các khoa học gia, các nhà thiên văn thì khoảng 300 triệu năm giải Ngân Hà (Milky Way Galaxy) làm xong một vòng quay xung quanh trục của nó và có ít nhiều ảnh hưởng đến Thái Dương Hệ (Solar System), nên tạo ra các chu kỳ băng giá này.
         Nếu tạm gọi là Ngươn thì nhân loại chúng ta cũng có Tam Ngươn, xoay vần trong khoảng một trăm ngàn (100. 000) năm." Bằng toán học, đại khái, nếu lấy thời hiện đại làm mốc, thì gồm có:               
- Thượng Ngươn (First Ice Age) xảy ra 93.408 năm trước đây.
- Trung Ngươn (Second Ice Age) xảy ra 41.000 năm trước đây
- Hạ Ngươn (Last Ice Age) đã xảy ra vào khoảng 25.920 năm trước đây.

Rồi, đi xa hơn một chút nữa, cũng lấy thời hiện đại làm mốc, chính trong phần Hạ Ngươn (Last Ice Age) này chúng ta mới có 3 ngươn nhỏ:
-         thời Thượng Cổ (từ 25.920 cho đến 2700 hay năm 700 trước Tây lịch, dựa vào điểm Kinh Cựu Ước được viết vào khoảng 700 năm trước khi Chúa giáng sinh).
-         Trung Cổ (từ 2700 cho đến ngày nay)
-         Hạ Cổ (tạm gọi ) tức là thời đại bây giờ.

Ðặc biệt trong năm 11.000 (tức 9.000 năm trước Tây lịch), quả Ðịa Cầu đã đổi trục Nam Bắc ra Bắc Nam...

Bởi... "lẽ tự nhiên, càng tranh đấu mới càng tấn hóa" nhưng "văn minh tiến triển mà đạo đức suy đồi," và bởi... lẽ "thiên thơ dĩ định," tức là đã đến chu kỳ để lập lại đời Thượng Cổ Thánh Ðức. Bởi... cũng chính vì "văn minh và đạo đức chẳng đi đôi" mà những người anh Kogi trên rặng Sierra, Nam Mỹ, những người phải học về tâm linh với 7-9 năm diện bích ở tuổi 20 trước khi học các thứ về vật chất, đã phải gởi thông điệp cho Ðại Hội Tôn Giáo Thế Giới tổ chức ở Chicago vào năm 1993. Bản dịch của Nguyên Phong từ bài viết của Alan Ereira, ký giả đài BBC, có những đoạn như sau:

THÔNG ĐIỆP CỦA NHỮNG NGƯỜI KOGI, SIERRA, NAM MỸ
                    
              Một vị Trưởng Lão cho biết:
     "Vũ trụ là một tấm gương lớn, phản ảnh tất cả mọi việc xảy ra trong đó. Biết rung động với vũ trụ là biết quán xét tấm gương kia, do đó người ta đâu cần phải đi đâu xa mà cũng biết được những điều cần thiết. Việc ngồi chín năm trong động đá đâu phải chỉ ngồi đó nhai vài lá cây, suy nghĩ vài câu nói, mà đòi hỏi người ta phải nổ lực tìm hiểu về mình, vì biết mình chính là biết được vũ trụ và biết được vũ trụ thì tất hiểu được các định luật thiên nhiên. Ðã hiểu được các định luật này một cách sâu xa thì làm sao có thể làm trái với nó được? Sở dĩ con người làm việc sai quấy vì họ không biết mình, chỉ sống hời hợt, quay cuồng và dựa trên những giá trị có tính cách giả tạo, những giá trị do tập đoàn tạo ra chứ không phải phát xuất từ những công phu suy gẫm sâu xa. Sống như thế không thể gọi là sống. Ðó là sống mà như chết, thân thể tuy sống mà đầu óc đã chết từ lâu rồi!"  ...
Vị Trưởng Lão khác nói: "Ðời sống là một sự mầu nhiệm. Nếu con người biết mài dũa THÂN và TÂM để ý thức đời sống một cách trọn vẹn thì người ta sẽ ý thức được những việc khác phi thường hơn."
    
...Một Vị Trưởng Lão lên tiếng: "Chúng tôi đã thảo luận rất kỹ về điều chúng tôi muốn nói. Chúng tôi muốn gửi một thông điệp cho các em trong gia đình nhân loại. Chúng tôi nói bằng trái tim, những lời nói chân thành nhất rằng hiện nay nhân loại sắp bước vào một thảm họa rất lớn mà từ trước đến nay chưa hề xảy ra.
... Nếu trái đất bị hủy hoại thì chúng ta sẽ sống ở đâu? Ðây là một vấn đề hết sức quan trọng và cần xét đoán một cách nghiêm chỉnh. Các anh không biết trong vòng vài năm nữa thế giới sẽ biến đổi như thế nào? Chắc không lấy gì tốt đẹp lắm đâu nếu các em cứ tiếp tục phá hoại mà không biết bảo trì môi trường sinh sống. Tại sao được thừa hưởng một gia tài tốt đẹp như thế mà chúng ta lại phá hoại nó đi vậy? Tại sao các em không nghĩ rằng trải qua mấy ngàn năm nay, thế hệ trước đã giữ gìn cẩn thận, đã trân trọng từng tấc đất, từng ngọn suối, từng khóm cây, ngọn cỏ mà ngày nay các em lại phá nát không hề thương tiếc?
Làm sao các em có thể tự hào rằng mình "văn minh" khi nhân loại và mọi sinh vật mỗi ngày một khổ đau nhiều hơn xưa? Làm sao có thể nói rằng nhân loại đã "tiến bộ" khi con người ngày càng gia tăng thù hận, chỉ thích gây chiến tranh khắp nơi? Các anh biết vậy nhưng phải làm sao đây? Làm sao có thể nói cho các em biết rằng vũ trụ có những định luật vô cùng lớn lao, không thể vi phạm được? Lòng các anh vô cùng đau đớn vì các anh thấy rằng trái đất đã khô kiệt rồi, mọi sự sống đang lâm nguy và thảm họa diệt vong chỉ còn trong giây lát. Do đó các anh muốn kêu gọi khẩn thiết rằng hãy thức tỉnh, ngưng ngay những việc có tính cách phá hoại đó lại, nếu không thì trễ quá mất rồi!"

Qua các phần trên, chúng ta tạm hiểu và tạm chấp nhận rằng, quả là chúng ta đang sống trong thời Mạt Kiếp! Nhưng, trở lại vấn đề vì sao có hội Long Hoa và hội này để làm gì, với mục đích gì? Mà suốt từ cả thế kỷ nay chúng ta thường nghe nhắc đến, đề cập đến?
Ở nơi đây chúng ta thấy có sự hơi hơi trùng hợp giữa chu kỳ lập lại đời Thượng Cổ 10.000 năm trong kinh sách so với chu kỳ đổi trục quả Ðịa Cầu 11.000 năm (9000 năm trước Tây lịch) của các nhà khoa học. Xét cho cùng thì... có thể một trận Ðại Hồng Thủy sẽ xảy ra trong tương lai như đã xảy ra trong quá khứ, mới có thể lập lại đời Thượng Cổ. Và, xét cho cùng thì Long Hoa Ðại Hội đã diễn ra rồi mà ít người hay biết.. .
                                          (Theo Nguyễn Đăng Hưng)
                                              

    TIẾT 3:
TÌM HIỂU HỘI LONG HOA QUA CÁC TÔN GIÁO

- Phật giáo
- Thiên Chúa Giáo
- Cao Đài giáo
- Sư Vãi Bán Khoai
- Phật giáo Phái Phật Thầy Tây An hay Bửu Sơn Kỳ Hương
- Phật giáo Hòa Hảo
- Thông Thiên Học
                                                     ***
I. PHẬT GIÁO
          Triết lý Phật giáo nói đến định luật Thành, Trụ, Hoại, Không và bốn giai đoạn nầy cứ luân hồi mãi. Như vậy, giai đoạn Hoại, Không là thời ký cuối của chu kỳ thành lập Vũ Trụ, vạn vật.
Muôn vật giữa đời, có thạnh tất có suy, dù cho đạo pháp của Phật cũng vậy. Nhưng động cơ chánh trong sự suy vong của nền đạo là do con người chớ không phải do giáo pháp. Như hiện thời có thể nói Tam-tạng Kinh-điển đầy đủ hơn xưa, nhưng sở dĩ gọi là mạt-pháp, vì con người kém đạo đức căn lành không giữ đúng theo lời dạy của Phật. Cho nên người xưa có câu: “Nhơn năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhơn”, chính là ý nầy, “Người hay mở mang cho đạo, không phải đạo mở mang cho người”, câu nầy chỉ có ý nghĩa phiến diện!
Về đạo Phật, theo thuyết tam thời, thì hiện tại là thời mạt-pháp; theo thuyết ngũ thời, hiện tại chính nhằm thời đấu tranh. Từ đây về sau, cứ đúng theo thật tế mà nói, Phật-pháp có ở trong tình trạng tiệm suy, nếu có vùng dậy cũng chỉ trong giai đoạn tạm thời, hay hoặc chỉ có ảnh hưởng bên ngoài. Vậy, nhất là hàng Phật-tử, càng nên cố gắng thật học, thật tu, để duy trì pháp vận, lợi ích thế gian, và phải làm với hết sức của mình.

Theo Kinh Phật thì Đức Thích Ca có tiên tri: Sau nầy vào thời Mạt pháp sẽ có Đức Phật Di Lặc ra đời, là một vị Phật thứ năm trong 5 vị Phật. Phật Di Lặc là một vị Bồ Tát (*)sẽ nối tiếp Đức Thích Ca lập ra Hội Long Hoa để hóa độ chúng sanh. Hết thạnh rồi suy, hết suy lại thạnh, Phật Thích-Ca đã nhập diệt, Ðức Di-Lặc sẽ kế tiếp giáng sinh, nên chung qui chánh-pháp vẫn là bất diệt. Từ khi Phật Tích Ca tịch diệt đến nay, theo Kinh Phật, chia ra làm ba thời ký: Chánh pháp, Tượng Pháp và Mạt Pháp
1. Thời kỳ Chánh Pháp : Là thời ký Đức Phật còn tận thế cho đến khi giáo lý của Ngài còn được phổ biến chân truyền. Phần đông ngươì tu được chứng quả, thời gian nầy khoảng năm trăm năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn.
2. Thời kỳ Tượng Pháp : Thời kỳ nầy khoảng một ngàn năm lúc chư vị đệ tử của Phật còn tại thế, nối nhau truyến Chánh giáo, nhưng vì không được chân truyền nên đồ chúng đắc quả ít hơn thời gian Chánh pháp.
3. Thời Mạt Pháp: Phật giáo suy vi vì thất chân truyền, thiên hạ thiên về vật chất mà không lo đến đường tinh thần nên rất ít người chứng quả.
Theo Kinh Đại Tập, từ khi Phật tịch diệt về sau chỉ có 2.500, chia ra 5 thời kỳ: Mỗi thời kỳ 500 năm và 500 năm sau cùng là thời kỳ  nhân loại xa lìa chánh pháp, theo tà thuyết, tìm đủ mọi mánh khoé để giết hại nhau. Thời kỳ nầy là thời kỳ Mạt Pháp, sẽ có Đức Phật Di Lặc ra đời giáo Đạo cho chúng sanh trở về Chánh pháp để lập đời Thượng Nguơn Thánh Đức, tạo một Chu Kỳ mới là cuộc sống sẽ vô cùng tốt đẹp.
(*) Tiếng Phạn là Bodhisattva, nghĩa là cứu độ tất cả mọi người. Vị nầy còn một bậc nữa là thành Phật. Đức Di Lặc nay là vị Phật tá danh là "Long Hoa Giáo Chủ Đương Lai Hạ sanh Di Lặc Tôn Phật". Ngài là vị Phật mà vì lòng Tư Bi thương nhân loại nên Ngài hạ mình giáng sanh để tận độ chúng sanh.

NHỮNG LỜI HUYỀN KÝ VỀ THỜI MẠT KIẾP
Khi Ðức Thế-Tôn sắp vào cõi Niết-bàn, Ngài có huyền ký tình trạng trong đời mạt-pháp và lúc chánh-pháp sắp diệt. Xin dẫn ra đây ít đoạn để cho hàng Phật-tử xuất-gia tại-gia tự kiểm điểm, gạn bỏ điều ác, tu tập pháp lành.
Trong kinh Đại-Bi, Đức Phật bảo: “Nầy A-Nan! Khi ta Niết-bàn rồi, trong thời gian 500 năm rốt sau, nhóm người giữ giới, y theo chánh-pháp, lần lần tiêu giảm; các bè đảng phá giới, làm điều phi pháp, ngày tăng thêm nhiều. Do chúng-sanh phỉ báng chánh-pháp, gây nhiều ác hạnh, nên phước thọ bị tổn giảm, các tai nạn đáng kinh khiếp nổi lên. Bấy giờ có nhiều Tỷ-khưu đắm mê danh lợi, không tu thân, tâm, giới, huệ. Họ tham trước những y, bát, thức ăn, sàng tòa, phòng xá, thuốc men, rồi ganh ghét tranh giành phỉ báng lẫn nhau, thậm chí đem nhau đến quan ty, lời nói như đao kiếm.
Cho nên, A-Nan! Đối với những vị xuất-gia tu phạm hạnh, thân khẩu ý thực hành đạo từ bi, ông nên cung cấp những thức cúng dường cho đầy đủ. Vị nào đối với các phạm hạnh hoặc thấy, hoặc nghe, hoặc tin, hoặc làm, hoặc nhiều, hoặc ít, ông nên làm thế nào cho họ không khởi lòng não loạn, nên vâng giữ điều nầy! Tại sao thế? Vì trong cõi ngũ trược vào thời mạt kiếp, có nhiều sự khổ nạn như: đói, khát, giặc, cướp, nắng hạn, bão lụt, các loài trùng phá hại mùa màng, tóm lại có nhiều nhân duyên làm cho chúng-sanh bị xúc não.
A-Nan! Lúc bấy giờ có các hàng trưởng-giả, cư-sĩ, tuy bị nhiều sự khổ não bức thiết, song vẫn sanh lòng tịnh tín, cung kính tôn trọng ngôi Tam-bảo, bố thí, giữ giới, tụng kinh, tu các công đức, khuyên người y theo Phật-pháp làm lành. Do thiện căn đó, khi mạng chung họ được sanh về Thiên-đạo, hưởng các điều vui. Còn các Tỳ-khưu ác kia, ban sơ dùng đức tin, tâm lành, bỏ tục xuất-gia; nhưng sau khi xuất-gia, họ lại tham trước danh lợi, không cố gắng tu hành, nên kết cuộc bị đọa vào ác đạo”...
Kinh Đại-Tập nói: “Trong đời mạt-pháp, có những vua, quan, cư-sĩ ỷ mình giàu sang quyền thế, sanh tâm kinh mạn, cho đến đánh mắng người xuất-gia. Nên biết những kẻ gây nghiệp ấy, sẽ bị tội đồng như làm cho thân Phật ra huyết...”
Trong kinh Pháp-Diệt-Tận, Đức Phật bảo: “Về sau, khi pháp của ta sắp diệt, nơi cõi ngũ trược nầy tà đạo nổi lên rất thạnh. Lúc ấy có những quyến thuộc ma vào làm Sa-môn để phá rối đạo pháp của ta. Họ mặc y phục như thế gian, ưa thích áo cà-sa năm sắc, ăn thịt uống rượu, sát sanh, tham trước mùi vị, không có từ tâm tương trợ, lại ganh ghét lẫn nhau. Bấy giờ có các vị Bồ-Tát, Bích-Chi, La-Hán vì bản nguyện hộ trì Phật-pháp, hiện thân làm Sa-môn, tu hành tinh tấn, đạo hạnh trang nghiêm, được mọi người kính trọng. Các bậc ấy có đức thuần hậu, từ ái, nhẫn nhục, ôn hòa, giúp đỡ kẻ già yếu cô cùng, hằng đem kinh tượng khuyên người phụng thờ đọc tụng, giáo hóa chúng-sanh một cách bình đẳng, tu nhiều công đức, không nệ tổn mình lợi người. Khi có những vị Sa-môn đạo đức như thế, các Tỷ-khưu ma kia ganh ghét phỉ báng, vu cho những điều xấu, dùng đủ cách lấn áp, xua đuổi, hạ nhục, khiến cho không được ở yên. Từ đó các Tỷ-khưu ác càng lộng hành, không tu đạo hạnh, bỏ chùa chiền điêu tàn hư phế, chỉ lo tích tụ tài sản riêng, làm các nghề không hợp pháp để sinh sống, đốt phá rừng núi làm tổn hại chúng-sanh không có chút từ tâm. Lúc ấy có nhiều kẻ nô tỳ hạ tiện xuất-gia làm tăng ni, họ thiếu đạo đức, dâm dật tham nhiễm, nam nữ sống lẫn lộn, Phật-pháp suy vi chính là do bọn nầy. Lại có những kẻ trốn phép vua quan, lẫn vào cửa đạo, rồi sanh tâm biếng nhác không học không tu. Đến kỳ tụng giới trong mỗi nửa tháng, họ chỉ lơ là gắng gượng, không chịu chuyên chú lắng nghe. Nếu có giảng thuyết giới luật, họ lược bỏ trước sau, không chịu nói ra hết.
 Nếu có đọc tụng kinh văn, họ không rành câu, chữ, không tìm hỏi bậc cao minh, tự mãn cầu danh, cho mình là phải. Tuy thế, bề ngoài họ cũng ra vẻ đạo đức, thường hay nói phô, để hy vọng mọi người cúng dường. Các Tỷ-khưu ma nầy sau khi chết sẽ bị đọa vào Địa-ngục, Ngạ-quỷ, Súc-sanh trải qua nhiều kiếp. Khi đền tội xong, họ thác sanh làm người ở nơi biên địa, chỗ không có ngôi Tam-bảo.
Lúc Phật-pháp sắp diệt người nữ phần nhiều tinh tấn, ưa tu những công đức. Trái lại, người nam phần nhiều kém lòng tin tưởng, thường hay giải đãi khinh mạn, không thích nghe pháp, không tu phước huệ, khi thấy hàng Sa-môn thì rẻ rúng chê bai, xem như đất bụi. Lúc ấy, do nghiệp ác của chúng-sanh, mưa nắng không điều hòa, ngũ sắc hư hao, tàn tạ, bịnh dịch lưu hành, người chết vô số. Thời bấy giờ, hàng quan liêu phần nhiều khắc nghiệt tham ô, lớp dân chúng lại nhọc nhằn nghèo khổ, ai nấy đều mong cho có giặc loạn. Trong thế gian lúc ấy khó tìm được người lương thiện, còn kẻ ác thì nhiều như cát ở bãi biển, đạo đức suy đồi, chư thiên buồn thương rơi lệ.
Nầy A-Nan! Lúc đạo pháp ta sắp diệt, ngày đêm rút ngắn, con người đoản mệnh, nhiều kẻ mới bốn mươi tuổi, tóc trên đầu đã điểm bạc. Về phần người nam, bởi nhiều dâm dật nên hay yểu chết, trái lại người nữ sống lâu hơn. Lúc ấy có nhiều tai nạn nổi lên, như giặc cướp, bịnh tật, bão lụt, nhơn dân hoặc không tin hiểu đó là nghiệp báo, hoặc vì sống quen trong cảnh ấy, xem như là việc thường. Bấy giờ nếu có bậc Bồ-Tát, Bích-Chi, La-Hán dùng bi tâm ra giáo hóa, do nghiệp ác của chúng-sanh và sức ngoại ma xua đuổi, cũng ít ai đến dự pháp hội. Còn bậc tu hành chân chánh, phần nhiều ẩn cư nơi núi rừng xa vắng, giữ đời sống an vui đạm bạc, được chư thiên hộ trì. Khi nhơn thọ giảm còn 52 tuổi, áo cà-sa của hàng Sa-môn đổi thành sắc trắng, kinh Thủ-Lăng-Nghiêm và Bát-Chu-Tam-Muội tiêu diệt trước, các kinh khác lần lần diệt sau, cho đến không còn văn tự.
Nầy A-Nan! Như ngọn đèn dầu trước khi sắp tắt, ánh đèn bỗng bừng sáng lên rồi lu mờ và mất hẳn. Đạo-pháp của ta đến lúc tiêu diệt cũng có tướng trạng như thế. Từ đó về sau trải qua ức triệu năm, mới có Phật Di-Lặc ra đời giáo hóa chúng-sanh”. Lúc Ðức Di-Lặc thành chánh giác, Ngài ngồi nơi một gốc đại thọ, cành cây như mình rồng, hoa nở tủa ra bốn bên như những đầu rồng, nên gọi cây nầy là Long-Hoa-bồ-đề. Sau khi thành đạo quả, Phật Di-Lặc cũng ngồi nơi đây mà thuyết pháp, nên lại có danh từ Long-Hoa-pháp-hội.
        ( trích Phật học tinh yếu của HT Thích Thiền Tâm )


II. THIÊN CHÚA GIÁO

Theo  Thiên Chúa giáo, Đức Chúa Jesus đã cho biết trước những điều thống khổ xảy đến cho loài người. Làm sao biết được ngày Phán Xét đến? Chúa có đáp là nên để ý đến những điềm báo lần lượt hiện ra như:
1.     Điềm Trời: trật tự thiên nhiên bị rối loạn, mùa tiết không còn điều hòa nữa và sẽ có những ngày Thiên ôn Địa ám.
2.     Điềm đất: thường xảy ra những trận địa chấn kinh khủng. Động đất cùng sóng thần, bão lụt sẽ hủy hoại sinh mạng, phá hại mùa màng, gia súc không biết cơ man nào kể xiết.
3.     Điềm người: Con người ngày càng hung dữ. Đức Jesus cho biết” nên biết rằng trong những ngày cùng cuối, sẽ là những lúc khó khăn. Vì rằng con người sẽ rất ích kỷ, tôi tớ cho bạc tiền; hay khóac lác, tự cao, phạm thượng, chống báng cha mẹ, bất nghĩa, vô thần…các người hãy lánh xa những hạng người đó. Nay thì những ai muốn sống hiền lành theo Chúa lại bị ngược đãi. Nhưng những người hung dữ và giả đạo đức cứ tiến mãi theo điều ác, làm lạc hướng người khác, đồng thời tự đánh lạc hướng mình.” (Timothée)
Theo Kinh Tân Ước ( New Testament ) các Thánh Tông Đồ có ghi lại lời Chúa Giê-su, tiên tri Ngày Phán Xét Cuối Cùng. Trong ngày Phán xét nầy, có sự thưởng phạt: Những người có công (sống trọn tốt trọn lành) được gọi là tôi tớ của Chúa thì được thưởng, còn những người có tội lỗi (kẻ ác, những kẻ mưu đồ ám hại người đồng loại) thì sẽ bị huỷ diệt Trong ngày Phán xét  sẽ xảy ra những cuộc xáo trộn trật tự thiên nhiên. Con ngươì trên trái đất  rước lấy những sự bất hạnh, phải làm hết sức mình mới kiếm được miếng ăn và nạn khan hiếm thực phẩm bời hạn hán, côn trùng phá hoại mùa màng, bởi khủng hoảng nhiên liệu (dầu hỏa), nhân loại sẽ tàn tạ bởi bệnh tật: Bịnh dịch lan tràn, bệnh ung thư và những bệnh gây ra bời dùng sản phẩm hóa học phản thiên nhiên và cả bịnh mới khác.
      Ngày 13.7.1917 - tại Fatima, một làng nghèo vùng đồi núi của nước Bồ đào nha (Portugal), Đức Mẹ đã hiện ra nhiều lần. Dưới đây là thông điệp Fatima thứ III của Đức mẹ gửi cho bé Lucia (sau thành nữ tu Bernadette) và được đăng tải trong tờ báo Stop:
      “Cô bé ơi, đừng sợ hãi. Đây là Người Nữ Đồng Trinh  đang nói chuyện cùng em và yêu cầu em phổ biến thông điệp này cho toàn thế giới. Hãy lắng nghe, và chú tâm vào những ǵì được tiết lộ.
      Nhân loại phải làm những thay đổi. Phải khiêm tốn ăn năn và xin được tha thứ cho các tội lỗi đã làmnhững tội lỗi sẽ làm. Những ai đón nhận lời này muốn được bằng chứng, thì  tôi gởi gấm qua em để nhân loại sẽ đón nhận. Mọi người dù có đạo Thiên Chúa hay ngoại đạo, hay người nông dân, thường dân, giáo sĩ, cảnh sát, linh mục, người thế tục đều chứng kiến hiện tượng phép lạ của mặt trời. Và hãy nhân danh tôi để tuyên bố rằng cuộc trừng phạt vĩ đại sẽ đổ lên mọi chủng tộc. Điều đó không xảy ra ngày hôm nay hay ngày mai, mà là của giai đoạn thứ hai của Thế kỷ thứ 20. Mọi trật tự sẽ biến mất trên toàn cầu. Sa Tăng cai trị khắp nơi, và là đầu mối, là đạo diễn của mọi sự kiện quan trọng xảy ra trên thế giới. Sa tăng sẽ thành công dành lấy ngai vàng của tôn giáo.  Sa Tăng sẽ quyến rũ tận tâm hồn những người thông minh chế tạo vũ khí và chiến tranh có khả năng hủy diệt nhanh chóng trong vài phút, và hủy diệt một phần lớn nhân loại.
Sa tăng có đủ quyền lực trên các lãnh đạo đang nắm giữ quyền hành cai trị quốc gia và điều khiển họ chế tạo hàng loạt vũ khí. Và nếu nhân loại không có những hành động thích đáng thì́ tôi không có thể cản ngăn cánh tay của con tôi giơ cao. Và Thượng Đế sẽ trừng phạt loài người thảm khốc nhiều hơn các trận hồng thủy đã xảy ra.
      Nếu nhân loại không thay đổi, thì́ đây là thời điểm mấu chốt quan trọng hơn hết mọi thời điểm,  là ráo rốt của sự kết chung. Mọi việc sẽ trở nên tồi tệ hơn thời điểm này. Kẻ mạnh, kẻ đầy quyền lực sẽ chết giống như kẻ nhỏ yếu. Và rằng tôn giáo sẽ không tránh né được giờ phút đối diện sự thật.
      Nhóm Hồng Y này tranh chấp với nhóm Hồng Y kia, đoàn Giám Mục này chống đối đoàn Giám Mục kia. Sa Tăng sẽ trà trộn vào trong nhóm người đó và sẽ có nhiều thay đổi tại La Mã. Nhà thờ (tôn giáo) sẽ thành đống gạch vụn và thế giới sẽ ngụp lặn trong hãi hùng... Khói và lửa sẽ từ trời sa xuống, nước biển sẽ sôi sục và bọt biển tràn dâng chuyển động và nhận chìm thế giới. Hàng triệu triệu người sẽ đi đến giai đoạn ước ao được chết. Khắp nơi đều có những h́ình ảnh đầy khủng hoảng, đói khát, và điêu tàn. Thời gian đã gần kề, và sự đổ nát sẽ càng lún sâu thêm trong tuyệt vọng. Kẻ tốt người xấu, kẻ cao người thấp, các hoàng tử của giáo hội cùng tín đồ, các lãnh đạo cùng nhân dân... tất cả đều chết!.
      Nơi nơi đều có bóng dáng tử thần giống như là một hiện tượng tự nhiên xảy ra do nhiều  lỗi lầm của những ai thiếu suy luận... “
 (trích trong Date with God, Tác giả Charles Sylva. Xuất bản năm 1977)
           
III. SƯ VÃI BÁN KHOAI
 Qua quyển "Sấm Giảng Người đời" của Sư Vãi Bán Khoai cho biết: Đời Hạ Nguơn sắp mãn và thời gian rất gần sẽ khai diễn Đại Hội Long Hoa. Từ đấu đến cuối quyển Sấm Giảng còn nhắc đi nhắc lại nhiều lần danh từ Hạ Nguơn :
Hạ Nguơn Giáp Tý bằng nay,
Cơ Trời đã khiến lập đời Thượng Lai.
............................................................ .
Hạ Nguơn nay đã hết rồi,
Minh Hoàng cầu Phật lập đời Thượng Nguơn.
Hạ Nguơn Tuất, Hợi đổi đời,
Ngọc Hoàng hội nghị lập đời Thượng Nguơn.

Ông Sư Vãi cho biết Hội Long Hoa được mở ra để chọn người hiền đức và lập đời Thượng Nguơn vô cùng đẹp đẽ, một xã hội của người hiền, không còn kẻ ác, vì ở cuối đời Hạ Nguơn đa số con người tội lõi quá nhiều:
Bởi trần lỗi quá muôn phần,
Cho nên lập Hội Long Hoa chọn người.
Hiền từ thì đặng thảnh thơi,
Nghinh ngang khó trốn lưới Trời bớ dân !
Lưới hồng bủa khăp cõi trần,
Chuyển luân Bát Quái còn trông nỗi gì ?

Hội Long Hoa là một trường thi để chọn người hiền, vì trước khi đến Long Hoa Đại Hội thé giới phải trải qua nhiều giai đoạn ghê gớm để báo hiệu thòi Hạ Nguơn sắp chấm dứt.
                              Hạ Nguơn nầy thể như bèo,
 Nay còn, mai mất hiểm nghèo thon von.
Lớp thì bịnh tật gầy mòn,
Lớp thì bão lụt nhân dân khốn nàn.
Lớp thời sưu thuế đa đoan,
Lớp kia lớp nọ khổ nàn biết bao !
Lớp thì tà, quỉ lao xao,
Xui mưu làm loạn hại dân muôn ngàn.
Trong quyển Sấm Giảng viết bằng thơ lục bát, Sư Vãi Bán Khoai tiết lộ những hiện tượng xảy ra cho thế gian vào thời Hạ Nguơn như: Chiến tranh nổi lên khắp nơi gây cảnh con lạc cha, vợ lạc chồng, nhà cửa tan nát, thây người chết như bèo trôi sông. Đa số là những người hung ác, không biết thức tỉnh lo tu tâm dưỡng tánh trong giai đoạn chuẩn bị dự Long Hoa nên bây giờ dù ăn năn cũng không còn kịp nữa. Ngoài cuộc tàn sát bởi chiến tranh gây ra, còn nhiều tai Trời ách nươc như nước lụt, bão tố, lửa cháy khắp nơi, ác thú xông ra ăn thịt ngưòi...
Sư Vãi Bán Khoai còn cho biết rằng: Trong lúc chiến tranh hỗn loạn, giữa loài ngưòi thì điềm Trời xuất hiện: Trên Trời có sấm nổ, làm kinh thiên động địa (bom nguyên tử? ), nhiều hòn núi phá vở (những nước mới chế bom thí nghiệm bom nguyên tử dưới hang núi thay vì dưới đất sâu như trước), nhiều cù lao, đất liền phải sụp, quả đất thay hình đổ dạng, chôn vùi cả châu và nổi lên châu mới (giống như Đại Hồng Thủy chôn vùi châu Atlandtis dưới Đại Tây Dương). Lúc bấy giờ loài người sẽ kinh động tột độ, không còn bắn giết nhau nữa. Và lúc nầy là lúc Tiên, Phật lập Hội Long Hoa để chọn người hiền đức. Nhân loại còn lại không bao nhiêu: mười người chỉ còn hai người hiền đức sống sót mà thôi. Điều mà ông Sư Vãi Bán Khoai vui mừng là khi Thời Thượng Nguơn lập ra, nước Việt Nam sẽ là nước được diễm phúc nhất trên trái đất nầy.
Sở dĩ nước Việt nam được diễm phúc là vì cơ Trời cho nước Nam là cõi Trung Ương, là Trung Tâm của nền Văn Minh thời Thượng Nguơn sau nầy.
Chính vì vậy mà Tiên, Phật giáng trần ở nước Việt Nam và Sư Vãi Bán Khoai vâng lệnh Phật đi phổ hóa khắp nơi. Ông rất đau buồn vì thấy người đời không chịu nghe, không chịu tu, nên ông căn dặn: Nếu không tin, sau nầy mang hoạ thì đừng trách ông sao không có dạy trước.


IV.PHÁI PHẬT THẦY TÂY AN - BỬU SƠN KỲ HƯƠNG

Hoàn cảnh lịch sử khi ra đời của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương vào giữa thế kỹ XIX (1849) là trong hoàn cảnh đất nước và xã hội cực kỳ rối ren từ Bắc vào Nam. Trong khi đó xã hội suy thoái, vua quan ngu dốt, bất tài, lại thêm nạn tham nhũng, bóc lột, sưu cao thuế nặng, triều đình kỳ thị chém giết tôn giáo : cấm đạo Gia Tô, cấm lập chùa thờ Phật. Nạn mất mùa, đói kém, kinh tế phá sản, các bệnh dịch hoành hành đã khiến nhiều cuộc khởi nghĩa và bạo động nổ ra khắp mọi nơi.
Người sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương là ông Ðoàn Minh Huyên, đạo hiệu Giác Linh, sinh năm 1807 ở làng Tòng Sơn, tỉnh Sa Ðéc (Ðồng Tháp) trong một gia đình nông dân. Ông học bình thường, đọc sách Phật từ lúc cón nhỏ. Ông lập đạo từ năm 1849, lúc ông đã ngoài 40 tuổi và nơi truyền đạo đầu tiên là đình làng Kiển Thạnh, tỉnh Long Xuyên. Thời điểm ông truyền đạo là năm nông dân mất mùa đói kém, nhiều nơi có giặc cướp nổi dậy, bệnh dịch lan tràn, dân chúng điêu linh. Ông vừa giảng đạo, vừa chữa bệnh bằng thuốc và nhiều người đã khỏi bệnh. Họ tin vào pháp thuật của ông. Do đó, ngoài danh hiệu Sư Vãi Bán Khoai, dân chúng đã tôn ông làm Phật thầy Tây An vì khi ông chữa bệnh tại Tây An cổ tự ở Châu Ðốc, mọi người gọi ông là "Phật sống". Bửu Sơn có nghĩa là Núi Vàng hay Núi báu. Núi ấy ở trong miền Bảy Núi tức Thất Sơn. Nó được ông Sư vãi Bán khoai định vị và cho biết nhờ đâu nó trở nên quí báu trong một đoạn thơ như sau:
                  Chừng nào Núi Cấm hoá lầu.
                 Thì là bá tánh đâu đâu thái bình.
Đến như hai chữ Kỳ Hương thì ông Ba Thới có giải nghĩa trong Kim cổ kỳ quan:
                      Tiếng Kỳ Hương thơm nực biên thùy
Thế thì Kỳ Hương có nghĩa là mùi hương lạ, tiếng thơm lan truyền ra ngoài cõi biên thùy. Nói tóm lại, bốn chữ Bửu- Sơn Kỳ- Hương có nghĩa là Núi báu, sau này sẽ làm rạng rỡ cho non sông nước Việt, tiếng thơm lạ bay nực ra ngoài cõi biên thùy báo tin một nguồn ân thánh triết ra đời tạo lập một kỷ nguyên mới, cõi đời Thượng nguơn an lạc. Danh từ Bửu- Sơn Kỳ- Hương đã trở thành danh hiệu một tông phái Việt Nam do Đức Phật Thầy Tây An khai sáng.
Bài thơ khoán thủ "Tứ bửu linh tự" sau đây của Đức Phật Thầy Tây An sáng tác còn lưu truyền đến nay mà nhiều người được biết:
  BỨU        NGỌC     QUÂN     MINH     THIÊN   VIỆT     NGUYÊN.
  SƠN        TRUNG               MẠNG    ĐỊA       NAM      TIÊN.
  KỲ           NIÊN      TRẠNG   TÁI          TÂN      PHỤC     QUỐC,
  HƯƠNG  XUẤT    TRÌNH     SINH       TẠO     NGHIỆP   YÊN.
Đây là một bài thơ thuộc loại "tung hoành dọc", nghĩa là đọc bề dọc cũng có nghĩa mà đọc bề ngang cũng có nghĩa. Cứ theo chiều dọc đọc xuống, chúng ta sẽ có một bài thơ bảy câu bốn chữ:
                                Bửu- Sơn Kỳ- Hương ,
                                Ngọc Trung Niên Xuất,
                                Quân Sư Trạng Trình.
                                Minh Mạng Tái Sinh.
                                Thiên Địa Tân Tạo.
                                Việt Nam Phục Nghiệp.
                               Nguyên Tiền Quốc Yên.
Mỗi câu đều có nghĩa, mặc dù trong đó chứa nhiều ẩn tự ẩn ngữ, cần phải hiểu cách chiết tự đảo cú mới khám phá được lý diệu mầu huyền bí.
          Nói tóm lại Đức Phật Thầy Tây An dùng bốn chữ Bửu- Sơn Kỳ- Hương làm tông danh, với ý nghĩa là để ghi dấu chỗ phát tích của tông phái do Ngài sáng lập và báo tin một chuyển biến lớn trong đời sống của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra bốn chữ Bửu- Sơn Kỳ- Hương còn hàm súc những giáo pháp mà Ngài xướng xuất để hóa độ chúng sinh trong buổi Hạ Nguơn để kịp kỳ đi đến Hội Long Hoa và tạo lập đời mới.

V. PHẬT GIÁO HÒA HẢO

          Đức Huỳnh Giáo Chủ hay Đức Huỳnh Phú Sổ mở Đạo năm Kỷ Mão (1939). Trong vòng mấy mươi năm mà tôn giáo mới đã hấp dẫn một số tín đồ rất lớn ở các tỉnh Miền Tây Nam Phần. Sự kiện nầy chứng tỏ Ngài phải có một sức mầu nhiệm nào nên mới thức tỉnh được một số tín đồ như thế. Những nguyên nhân của sự sùng tín và lớn mạnh của Phật Giáo Hòa Hảo là sự xuất chúng lỗi lạc của một người không có học cao mà xuất khẩu thành thi, hùng biện, giảng Đạo và diễn thuyết thao thao bất tuyệt, cách chữa trị bịnh kỳ diệu của Ngài cứu rất nhiều người bị bịnh nan y, những lời tiên tri, những pháp môn hành Đạo và nhất là những sự tiết lộ của ngài về Đại Hội Long Hoa lại trùng hợp với tư tưởng trong Sấm Giảng của Sư Vãi Bán Khoai. Chính tay Ngài viết về sứ mạng của mình như sau:
       “ Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão ( 1939 ), vì thời cơ đã đến, Lý Thiên Đình hoạch định, cuộc nguy cơ thảm họa sắp tràn lan. Ta đây tuy không thể đem phép huệ linh mà cứu an tai họa chiến tranh tàn bạo do loài người tàn bạo gây nên; nhưng mà thử nghĩ: sinh trong đất Việt Nam nầy, trải qua bao kiếp trong địa cầu lăn lộn mấy phen, tùy cơ pháp chuyển kiếp luân hồi ở nơi hải ngoại để thu thập những điều đạo học kinh nghiệm huyền thâm, lòng  mê si đã diệt, sự vị kỷ đã tan mà kể lại nguồn gốc phát sinh; trải bao đời giúp nước vùa dân cũng đều mãi sinh cư nơi đất Việt…Những kiếp gần đây, may mắn gặp Minh sư, cơ truyền Phật pháp, gội nhuần ân đức Phật, lòng đã quãng đại từ bi, hềm vì nỗi cảnh quốc phá gia vong,máy huyền cơ đã định, lòng thương trăm họ vướng cảnh đồ lao, chi xiết xót thương chúng sanh vạn khổ. Nghĩ lúc còn làm người trong biển tục, lăn lộn chốn mê đồ mà chẳng quản thân giúp cứu dân, vong thân vị quốc, huống chi nay cơ mầu đã thấu tỏ, sớm chiều hầu chơn Phật nghe Kinh, ngao du tứ hải, dạo khắp Tiên bang, cảnh an nhàn của người liễu Đạo, muôn ngày vô sự, lánh sạch phàm tâm, sao chẳng ngồi nơi ngôi vị hưởng quả bồ đề trường thọ mà còn len lỏi xuống chốn hồng trần đặng chịu cảnh chê khen? Vì lòng từ ái chứa chan, thương bách tính tới hồi tai họa. Phật Vương đã chỉ rõ máy diệu huyền chuyển lập Hội Long Hoa, chọn những đấng tu hành cao công quả để ban cho xứng vị, xứng ngôi; người đủ các thiện căn để giáo truyền Đại Đạo, định phân ngôi thứ gây cuộc hòa bình cho vạn quốc chư bang…”
                             ( Bạc Liêu, ngày 18.5. Nhâm Ngũ – 1942)
          Khi nói về Tận Thế, Đức Huỳnh Giáo Chủ mở đầu quyển Sấm Giảng Khuyên Đời Tu Niệm  như sau:
      HẠ NGUƠN nay đã hết đời,
     Phong ba biến chuyển đổi đời gia cang.
     Năm Mèo Kỷ Mão rõ ràng,
     Khắp trong thiên hạ nhộn nhàng xiết chi…
Phật, Trời thương kẻ nhu mì
Trọng cha, yêu Chúa kính vì tổ tông…
Đời còn chẳng có bao lâu
Rán lo tu niệm đặng chầu Phật, Tiên.
Thế gian ít kẻ làm hiền,
Nhiều người tàn bạo làm phiền Hóa Công.
Thế gian chuyện có nói không,
Đến hội Mây Rồng thân chẳng toàn thây…

    Cũng giống như các Tôn giáo khác, Phật giáo Hoà Hảo cho biết rằng Hội Long Hoa là một trường thi dể chọn ngưòi hiền đức:
Long Hoa Tiên Phật đáo Ta bà.
Lừa lọc con làng, diệt quỉ ma.
Nếu mãi mê man mùi tục lụy.
Linh hồn chìm đắm chốn Nê hà

    Lập Hội Long Hoa để sàng sảy mà biết người hièn đức còn lại bao nhiêu:
Lập rồi cái Hội Long Hoa,
Đặng coi hiền đức được là bao nhiêu.
Gian tà hồn xác cũng tiêu,
Thảm thương bá tánh chín chiều quặn đau.

    Sau cuộc sàng sảy, biến chuyển sẽ xảy ra, nào là cảnh của cải phút chốc tiêu tan, nào là cảnh giặc giã bốn phương nổi lên, nào là nạn đói xảy ra người người phải điêu linh, nạn đó kéo dài từ khi bắt đầu xảy ra biến cố đến ngày lập đời Thượng Nguơn mới dứt.
“Sau lập Hội thì già hóa trẻ,
Khắp hoàn cầu đổi xác thay hồn.
Đức Ngọc Hoàng  mở cửa thiên môn,
Đặng ban thưởng Phật, Tiên với Thánh”…

    Nào là nạn quỉ vương gây tai họa cho dân chúng, vì Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết rằng trời đã mở cửa cho nó xuống:
Thời kỳ nầy nhiều qủy cùng ma,
Trời mở cửa quỉ vương xuống thế.

Nào là nạn băng sơn huỷ diệt, nạn hồng thủy chôn vùi hằng triệu người dưới làn sóng đỏ. Các biến chuyển chấm dứt thì có tiếng nổ và Đức Huỳnh Giáo Chủ quả quyết rằng:  Bấy giờ có phép lạ, Tiên Phật xuất hiện, chư bang hàng phục, không chiến mà thành, súng không thể nổ nữa. Ở Việt Nam có một vị Quân Sư thượng trí, có lục thông: thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, thần túc thông, tha tâm thông, túc mạng thông, lậu tận thông; ngồi một nơi mà mà thấy xa, nghe xa, biết cả ý muốn của con người. Cả 18 nước tham chiến phải phục tùng. Người hiền được thưởng, kẻ ác bị trừng phạt. Loài người còn sống sót sẽ thay hồn đổi xác nhờ phép Tiên, phép Phật. Địa hình, địa vật của trái đất đều đổi mới, cây cối tốt tươi, người hiền còn sống sót hưởng đời Thượng Nguơn Thánh Đức.
Thời kỳ nầy sẽ có Minh Vương cai trị thì đời mới an cư:
Đạo đời nào có tư riêng,
Minh Vương sửa trị mới yên Ngôi Trời.

          Sứ mạng của Ðức Huỳnh Giáo Chủ hay mục đích của Phật Giáo Hòa Hảo là hoàn thành sự nghiệp cứu độ chúng sanh cho được sống còn trong đời Thượng nguơn an lạc. Nhưng muốn được sống còn trong đời Thượng nguơn an lạc, “làm dân Phật quốc, hưởng sự thái bình" thì trước hết phải đi qua ngưỡng cửa Hội Long Hoa để được chọn lựa. Ðiều kiện được dự Hội Long Hoa và được chọn lựa đưa qua đời Thượng nguơn phải là người Hiền, như Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã cho biết:
                             Lập rồi cái Hội Long Hoa,
                      Ðặng coi hiền Ðức được là bao nhiêu…
                            Trở chơn cho kịp Long Hoa,
                     Long Hoa có mặt ấy là Hiền Nhơn…

Phương pháp để cứu độ hạng thiểu căn thiểu phước, hạng chiếm đa số trong thời kỳ Hạ nguơn nầy là pháp môn Học Phật Tu Nhân. Vì theo Ðức Huỳnh Giáo Chủ thời cơ đã cấp bách căn khí chúng sanh lại bạc nhược, nếu đem giáo pháp có tánh cách lâu dài hay cao viễn ra giáo hóa thì không thể nào kịp, không sao tránh khỏi nạn hoại diệt của cõi đời Hạ nguơn. Chi bằng đào tạo nên hạng người Hiền Ðức đủ điều kiện dự Hội Long Hoa, khi được làm dân Phật quốc, hưởng cảnh lạc nhàn của cõi Thượng nguơn, sẽ tiếp tục tu hành để đạt quả vị giải thoát, thành Tiên thành Phật.
Pháp môn Tịnh độ mặc dầu dễ tu dễ hành nhưng cho được vãng sanh về cõi Cực Lạc, chẳng phải ai ai cũng có thể làm được. Sở dĩ ít người làm được là vì ít có người thành tựu niệm Phật nhứt tâm tức niệm Phật tam muội mà Ðức Huỳnh Giáo Chủ gọi nôm là niệm rành như Ngài đã viết:
        Xưa nay sáu chữ lạnh tanh,
Chẳng ai chịu khó niệm sành thử coi.

Muốn cho được vãng sanh, người niệm Phật phải hoàn mãn về hai phương diện: nội nhân và ngoại duyên.
            - Về nội nhân là phải thành tựu niệm Phật nhứt tâm hay tam muội (chánh định) hay nói theo thuật ngữ của Ðức Huỳnh Giáo Chủ là niệm Phật cho sành.
           - Về ngoại duyên, theo Ðức Huỳnh Giáo Chủ, phải có 2 yếu tố khá quan trọng, rất khó thành đạt. Đó là 2 điều kiện mà người niệm Phật phải có là: được “trọn lành" và "trọn sáng". Cho được trọn lành, hành giả phải hoàn tất giai đoạn “chư ác mạc tác” và "chúng thiện phụng hành" (điều ác đừng làm; điều lành siêng làm) của Ðức Phật đã dạy, tức là hoàn thành đạo làm người. Và cho được trọng sáng, hành giả phải hoàn tất giai đoạn “tự tịnh kỳ ý” trong bài Tứ cú kệ "chư ác mạc tác" của Ðức Phật, nghĩa là đã đạt được sự tỏ ngộ tự tâm, tức là huệ tâm khai phát, như Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã nhận:
                                      Nếu ai mà biết chữ tu trì,
                             Tâm bình tịnh được thì phát huệ.

    Nhưng làm thế nào cho tâm được bình tịnh?
·    Mắt nhìn trần đỏ niệm Di đà,
·    Nguyện vái thân này khỏi đọa sa.
·    Muôn đạo hồng quang oai Ðức Phật,
·    Soi đường minh thiện đến Long Hoa…
·    Ngày tiêu diệt từ năm Bính Tý.(1876, 1936?)
·    Đến năm nay hao hớt đã nhiều.
·    Các ngoại bang đà nhuộm máu điều,
·    Sao trần thế không toan chẳng liệu?
·    Phật chẳng qua dụng chữ tín thành
·    Chớ nào dụng hương, đăng, trà, quả…
·    Đạo Quỉ Vương rất nhiều chi ngánh,
·    Khuyên dương trần sớm tránh mới mầu.
·    Để ngày sau đến việc thảm sầu
·    Rán nghe kỷ lời ta mách trước.
                                                       ( trích Sấm giảng 1939 )

    Ngài còn để lại bài kệ, dạy dỗ  rất thâm thúy, xin trích một đọan như sau:
·        Lòng quãng ái xót thương nhân  chủng,
·        Buổi lố lăng Phật giáo suy đồi.
·        Kẻ tu hành ai nở yên ngồi,
·        Mà sớm kệ chiều kinh thong thả.
·        Mình đã gặp con thuyền Bát Nhã,
·        Có lý nào ích kỷ tu thân?
·        Phật Tổ xưa còn ở nơi trần,
·        Ngài gắng sức ra công hoằng hóa.
·        Nền Đại Đạo lưu thông khắp cả.
·        Bực Tiên, Hiền đều trọng Phật gia.
·        Rèn dân bằng giáo thuyết bình hòa,
·        Giống bác ái gieo sâu vô tận.
·        Sau nhằm buổi phong trào tân tấn,
·        Đua chen theo vật chất văn minh,
·        Nên ít người khảo xét kệ kinh,
·        Được dắt chúng hữu tình thoát khổ.
·        Thêm còn bị lắm phen giông tố,
·        Lời tà sư ngoại Đạo gieo vào,
·        Cho nhơn sanh trong dạ núng nao,
·        Chẳng gìn chặt gương xưa mạnh mẽ.
·        Dụng thế lực dùng nhiều mánh khóe,
·        Cám dỗ người đạng có khiến sai.
·        Chúng nằm không hưởng của hoạnh tài,
·        Để khốn khổ mặc ai trối kệ.
·        Mắt thấy rõ những điều tồi tệ,
·        Tai thường nghe lắm giọng ru người.
·        Thêm  thời này thế kỷ hai mươi,
·        Cố xô sệp thần quyền cho hết.
·        Người nhẹ dạ nghe qua mê mết,
·        Rằng nên dùng sức mạnh cạnh tranh,
·        Được lợi quyền lại được vang danh,
·        Bài xích kẻ tu hành tác phước.
·        Làn sóng ấy nhiều người đón rước,
·        Dục dân  tâm sôi nổi tràn trề.
·        Cổ tục nhà phỉ báng khinh chê,
·        Cho tôn giáo là mùi thuốc phiện.
·        Ai nếm vào ắt là phải nghiện,
·        Chẳng còn lo trang võ đấu chinh.
·        Lấy sắc thân dẹp nỗi bất bình,
·        Bỏ đức tính của cân Nhơn Quả.
·        Dầu ai có bền gan sắt đá,
·        Cũng động lòng trước cảnh ngửa nghiêng.
·        Đạo diệu mầu gặp lúc truân chuyên,
·        Phận môn đệ phải lo vun quén…( 1941 )
Ðược coi Tiên Thánh tức là được sống đời Thượng nguơn là cuộc đời phàm Thánh đồng cư, nghĩa là người phàm sẽ sống lẫn lộn với Tiên Thánh trong cõi Thượng nguơn an lạc.
  

VI. ĐẠO CAO ĐÀI

A. NGÀY PHÁN XÉT & CHUYỂN THẾ
          1.  CHUYỂN THẾ LÀ GÌ ?
             
                       Đức Hộ Pháp giảng:
Theo triết lý học, định nghĩa chữ chuyển thế là xoay đổi thời đại hiển nhiên ra thời đại khác hoặc do không phù hạp, hoặc quá khuôn khổ nề nếp nên quyết đoán thay đổi lập trường thiêng liêng vì thời đại nầy đã định.
      Chuyển, nghĩa là sửa đổi cũ ra mới, lấy nghĩa lý đã định hẳn ra, tức nhiên chúng ta nhận thấy các khuôn luật đạo đức từ trước đến giờ để lại đều bị biếm trách cả, bởi vì đời quá hung tàn bạo ngược vô nhơn luân, tinh thần đạo đức không qui định, tâm lý loài người không tương quan cùng nhau, mất cả luật đồng sanh làm căn bản của loài người, luật đồng sanh gần như bị hủy bỏ bởi thấy tấn tuồng trước mắt. Nào giặc giã chiến tranh giành sống mà giết hại lẫn nhau, oán kết thâm thù, loài người do nơi ấy mà biến sanh tàn ác, cái phương sanh sống đến một giai đoạn rất khó khăn và chúng ta thử xét đoán trong các kinh điển Ðạo Giáo đã để lại là: 'Mưa dầu nắng lửa.' Trận mưa dầu nắng lửa sẽ có hiện tượng y như trong kinh đã nói. Khi tìm hiểu, định nghĩa hai chữ 'Chuyển Thế ' là thay đổi thời thế, đem kinh luật ra quan sát thấy mỗi thế kỷ, mỗi nguơn từ trước đến giờ nhiều giai đoạn cũng giống nhau một cách lạ lùng

             2. LUẬT THIÊN ĐIỀU TRỊ THẾ.
     
      Luật Thiên Ðiều trị thế, trị nơi địa cầu nầy là hình luật Thiêng Liêng, là ngày giờ nầy nơi Ngọc Hư Cung kiểm soát định tội phước đó vậy. Càn khôn vũ trụ đều có đại hội lập luật trong một năm giáp vòng bửu giới. Nếu trái địa cầu nào chưa được êm đềm, luật Thiên Ðiều thay đổi khác mỗi năm, chiếu theo tấn hóa và tâm lý của nhơn sanh. Nơi Ngọc Hư Cung định Pháp Chánh cũng như trong càn khôn vũ trụ là 12 tháng một niên, 12 niên một giáp, 120 năm một thế kỷ (tất cả đều cho rằng 100 năm là một thế kỷ như vậy không đúng), 1.200 là một Giáp.
      Mỗi phen đáo đến sở hành ngày giờ ấy, có Hội Giác Tiên là thường tại, từ thử đến giờ chúng ta chưa nghe nói, vì một ngàn hai trăm năm có một vị Giáo Chủ giáng thế chỉnh Ðạo, bảo thủ tinh thần đạo đức của loài người. Cứ độ 1.200 năm có xuất hiện một nền tôn giáo để hóa chuyển thay đời, tính lại địa cầu chúng ta từ buổi phôi thai có vạn linh nơi mặt thế đến nay được ba chuyển. Nay qua hạ nguơn tam chuyển, khởi đầu thượng nguơn tứ chuyển chẳng khác gì đêm 30 sáng mùng 1 Tết của chúng ta vậy.
      Tới mức giữa không gian thì nhơn loại tới hồi khổ não đủ điều, người ta nói là tận thế, cái thuyết ấy không có đâu, nếu chúng ta dùng lời đặng nói chẳng qua là một Giáp đó thôi, tức nhiên là một nền văn minh tôn giáo chớ không phải tận thế…
      Có tận thế không? Không, vì Kiếp số của địa cầu nầy còn vĩnh cửu, chỉ thay đổi hình thể, vạn loại mà thôi, nó vẫn còn tăng tiến mãi. Chúng ta đã ngó thấy qua chừng 100 năm trước, văn minh của con người không đạt đến mức hiện tượng như bây giờ. Cơ tấn bộ tinh thần và vật chất dữ dội nhứt là trong vòng 50 năm sau. Theo đó mà tính toán lại coi, trong 500 năm nữa, nhơn loại sẽ ra sao?
 …Qua sắc dân da trắng, tinh thần vi chủ, tới sắc dân Thần thông nhơn; qua khỏi dân Thần  thông nhơn thì có sắc dân Chí linh. Lúc đó người là Thần, Thánh, Tiên, Phật tại thế. Như vậy còn hai sắc dân nữa cho 500 năm sau.
                (Thuyết đạo của Đức Hộ Pháp Q.I tr.132)
     
      Lời Đức Chí Tôn tiên tri đã quyết định hẳn hòi :
            Chừng  nào  đất  dậy Trời thay xác,
      Chư Phật, Thánh, Tiên xuống ở trần. (TNHT)
     
      Chuyển thế không có nghĩa là quả địa cầu nầy bị tiêu diệt, nhơn loại chết hết, mà chỉ là một cuộc biến thiên rộng lớn làm thay đổi hình thể mặt đất, tiêu diệt 9/10 nhơn loại, làm cho cõi đời ác trược của buổi Hạ nguơn Mạt kiếp trở thành đời Thượng nguơn Thánh đức, với những người hiền lương đạo đức, theo đúng luật Tuần hoàn của Trời Đất.

      B. ĐÃ CÓ MẤY LẦN CHUYỂN THẾ ?
      Sau mỗi CHUYỂN  là có một lần Chuyển thế để phán xét sự tiến hóa của nhơn loại. Địa cầu của nhơn loại chúng ta hiện nay đã trải qua 2 CHUYỂN, nên nhơn loại đã bị hai lần  chuyển, và sắp đến cuối CHUYỂN thứ ba nên sẽ có Tận thế lần ba. Theo các kinh sách xưa truyền lại thì :

                1. CHUYỂN THẾ LẦN THỨ NHỨT: chép trong Kinh Thánh Cựu Ước của đạo Do Thái,  trận đại hồng thủy làm nước ngập khắp mặt đất, tiêu diệt hết nhơn loại và sinh vật, chỉ còn gia đình ông Nô-ê được báo trước nên đóng thuyền mang theo số ít người  hiền và số ít thú vật  là còn sống sót.

                 2.CHUYỂN THẾ LẦN THỨ HAI:
      Đến kỳ Phán xét của Thượng Đế, những giống dân vô đạo đức thì bị trừng phạt hay tiêu diệt. Do đó xảy trận động đất dữ dội làm sụp đổ châu Atlantide, tạo thành Đại Tây Dương. Nền văn minh Atlantide cùng với giống dân vô đạo bị tiêu diệt.
      Tóm lại, qua hai thời kỳ chuyển thế được biết qua các kinh sách, chúng ta thấy đó chỉ là một cuộc Đại Phán xét của Thượng Đế đối với nhơn loại, công thưởng tội trừng. Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật thi hành theo đúng Luật Nhân Quả, sau những thời kỳ chuyển luân tiến hóa nhứt định.
                 3. TIÊN TRI CHUYỂN THẾ LẦN BA
      Hiện nay, giống dân da trắng đang làm bá chủ nhơn loại trên mặt địa cầu nầy. Giống dân da trắng không đem sự khôn ngoan và sự văn minh tiến bộ của mình để giúp đỡ các giống dân khác kém văn minh hơn, không lo tổ chức xã hội cho được thuần lương đạo đức hơn, mà lại dùng sức mạnh bắt các giống dân khác làm nô lệ cho mình, đồng thời xúi giục các giống dân và các tôn giáo gây chiến với nhau, tương tàn tương sát để thủ lợi! Mặt khác, thời kỳ nầy lại rơi đúng vào cuộc tuần hoàn giáp mối của thế giới, ở vào thời Mạt kiếp của Hạ nguơn Tam chuyển, bước qua Thượng nguơn Tứ chuyển. Đấng Thượng Đế cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật mở ra một cuộc Phán xét lần thứ ba gọi là Hội Long Hoa, để kết thúc một giai đoạn tiến hóa dài.
     
Xin trích ra sau đây Thánh Ngôn tiên tri cuộc Phán xét (Long Hoa Hội) kỳ ba và sự cứu độ của Thượng Đế :
        “Đời quá dữ, tội tình ấy, hình phạt kia cũng đáng đó chút. Lão vì thương yêu nhơn sanh, hội mười ngày nơi Bạch Ngọc Kinh, cãi cho qua nạn nhơn loại, nhưng luật Thiên điều chẳng dễ chi sửa đặng. Họa Âu tai Á sẽ vì nơi Thiên thơ mà sát phạt, gieo sầu để thảm cho những giống dân nào đã vì hung bạo mà gây nên nhiều điều thán oán khắp cả Càn khôn nầy.”               (TNHT 1-2 hợp nhứt, B 100)                                                       
           “Ngày vui vẻ của sanh linh đã mòn, họa Thiên điều đã cận, Càn khôn thế giới còn đeo đuổi dụng thất đức vô nhân mà gieo thảm chất sầu trong nhơn loại. Họa Âu tai Á sẽ lần lượt thay phiên nhau, dụng luật Thiên đình mà diệt phạt người vô đạo. Càn khôn cũng vì đó mà phải điên đảo…
         Thầy lấy đức háo sanh mở đạo lần ba mà vớt kẻ hữu phần, tránh khỏi nơi buộc ràng khổ phạt. Ai hữu phước đặng để chân vào, kẻ vô phần phải bị tà yêu cám dỗ.”   (TNHT 1-2 hợp nhứt, B 59)

    Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo tiên tri cuộc Tận thế sắp tới diễn ra như sau:
      “Cơ quan chuyển thế mà Đức Chí Tôn lập trước mắt sẽ dữ dội lắm! Tấn tuồng đó vẫn còn tiếp diễn chưa dứt. Bần đạo quả quyết rằng, sẽ còn đại động dữ dội một phen nữa nơi mặt địa cầu nầy. Đặng chi? đặng giống dân da trắng giao quyền cho sắc dân mới nữa là giống dân Thần- thông- nhơn làm chủ, cầm giềng mối toàn mặt địa cầu nầy. Hại thay! Luật thiên nhiên chiếu theo kinh luật thượng cổ để lại, quan sát hẳn hoi, dở sách ra coi thấy trước thế nào, sau thế ấy, bánh xe tiến hóa vẫn đi, xây một hướng một chiều…Đức Chí Tôn lập Đạo Cao Đài là đền thờ cao trọng, đức tin to lớn, ngự trước Thiên lương loài người mới có thể thắng cơ quan Thiên điều định trước. Chúng ta, Thánh thể của Ngài, giúp Ngài giải quyết được chăng ? Nếu thoảng không được, cái hại nầy còn duy trì nữa.
      Ngài muốn Việt Nam là Thánh địa, cho nhơn loại biết rằng nhờ đây mà giải quyết cứu thế; bảo tồn nhơn loại là do con cái của Ngài, do nơi chúng ta. Nếu bất lực, chúng ta có phần lỗi đó vậy.”
             (Thuyết đạo của Đức Hộ Pháp  Q.I tr. 80) 
                                                 
      C. HỘI LONG HOA
                
          1. LONG HOA HỘI LÀ GÌ?
     
            Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo về Hội Long Hoa, đêm 14.1.Kỷ Sửu (1949) tại Đền Thánh:
      “Long Hoa Hội là một ngày, một buổi khảo lựa của toàn thể các chơn hồn, dầu quỉ vị hay Thần vị cũng vậy, định khoa mục của mình đặng lập vị thiêng liêng. Chúng ta hiểu rằng, mỗi Chuyển tức nhiên là mỗi khoa mục. Hễ cuối một Chuyển, tức nhiên Hạ Nguơn, là ngày định vị của các đẳng linh hồn. Thánh giáo Gia Tô đã nói rằng: Ngày Xét Đoán cuối cùng (Jugement Général) mà kỳ thật là ngày định vị cho các chư  Phật đó vậy.”
     
      Chúng ta hiểu rằng: mỗi chuyển tức nhiên là mỗi khoa mục, hễ cuối một chuyển tức nhiên Hạ Nguơn là ngày định vị của các đẳng linh hồn. Thánh Giáo Gia Tô đã nói rằng : Ngày xét đoán cuối cùng (jugement General ) mà kỳ thật là ngày định vị cho các chư Phật đó vậy. Khoa mục của Thiên vị lập vị của mình là kỳ Long Hoa Hội nầy.
      Chúng ta đã chán biết thế thường hễ mình học dầu giỏi hay dở mà tới ngày thi tức nhiên là ngày điểm bài vở của chúng ta; dầu cho biết chắc mình có đủ tài khoa mục, có đủ phần phước đậu đặng nhưng bây giờ cũng lo ngại hồi hộp mà thôi. Toàn thể chúng sanh tức nhiên nhơn loại trên mặt địa cầu nầy, giờ phút nầy tinh thần họ chẳng khác gì một cá nhân kia vậy. Họ phải lo sợ hồi hộp, không biết định phận đậu rớt thế nào và trong khoa mục ấy chúng ta có đậu hay chăng? Ôi! Còn một trường náo nhiệt chúng ta đã ngó thấy cảnh tương tàn tương sát, giặc giã, chiến tranh, thiên tai nghiệp chướng, nhưng có cuộc ấy chăng? Có chi lạ hơn là trác đòi hầu của Tòa Thiêng Liêng kia vậy. Một cái quả kiếp của nhơn loại dầu ở Á Ðông hay Âu Châu, nếu chúng ta để tâm nghiên cứu, quan sát tận tường chúng ta ngó thấy cả hình luật quả kiếp luân hồi quyền năng vô đối của cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống.
     
Đến 15 tháng 6 Mậu Tý (1948), Đức Phạm Hộ Pháp giảng về luật nhơn quả vay trả của nhơn loại trong thời kỳ Hạ Ngươn hầu mãn hầu bước sang Thượng Ngươn Thánh Đức:
“Cái quyền năng vô đối của Đức Chí Tôn một nháy mắt không còn một sinh mạng ở quả địa cầu này, chỉ một tích tắc đồng hồ nhơn nào quả nấy trả cho rồi đặng lập đời Thánh Đức mà thôi….các con nhớ rằng; dữ tận, hiền thăng, mạnh tàn yếu được, nhơn loại trả quả vớ nhau. Các con chịu cái nạn chung trả từ đời Hồng Bàng đến bây giờ…mừng cho nước Việt Nam trả hết mối nợ tiền khiên mà Tổ Tiên ta đã vay; từ thử bị nô lệ nay không còn nô lệ nữa. Vậy thì oan trái đã trả xong.
Sau này, nước Việt Nam còn sống nhiều nhứt nhờ biết chay lạt tu hành…Đức Chí Tôn mở Đạo Cao Đài lấy hai chữ thương yêu làm gốc, công bình, bác ái. Ngày nào toàn thể nhơn loại biết nhìn nhận Đức Chí Tôn là Đấng Cha chung thì ngày đó mới đặng hòa bình vĩnh cửu đó vậy.
 “Trái đất nầy, Bần Ðạo đã có thuyết minh ; nếu tính theo toán số thì mỗi Đại chuyển là 61.000.000 ( sáu mươi một triệu ) năm gọi là một kỷ thế. Trong một chuyển phân ra ba Nguơn.
Mỗi Nguơn chuyển của một đại chuyển có hai chục triệu, ba trăm ba mươi ba ngàn, ba trăm ba mươi ba năm, ba mươi ba ngày, ba mươi ba giờ, ba mươi ba phút (20 triệu 333 ngàn 333 năm 33 ngày 33 giờ 33 phút) thì có Long Hoa Hội, nghĩa là qua một chuyển.
Các Chơn Linh trong Càn Khôn Vũ Trụ, giờ phút nơi mặt địa cầu 68 nầy đều có các Chơn Linh ở nơi đây dự vào khoa mục. Khoa mục của chúng ta thi xong rồi trong hoàn vũ nầy chúng ta tấn triển tới cho được. Giờ phút nầy là giờ phút của quyền Thiêng Liêng vô tận của Ðức Chí Tôn ghi công và định vị.
      Thánh giáo Đức Chí Tôn nói:“ Các con phải chung cùng nhau, tức nhiên lập Long Hoa Hội, định vị cho các chơn linh trong kỳ Hạ Nguơn Tam Chuyển nầy, định vị cho họ đặng mở  Thượng Nguơn Tứ Chuyển cho các chơn linh.” Ngài mở Hội Long Hoa ấy, tức nhiên là Ngài định chấm đậu rớt cho các chơn linh vậy.
     Vì cớ cho nên chúng ta ngó thấy có huyền vi bí mật nơi mặt thế nầy: Đức Chí Tôn đến mở Đạo, ngày nay chúng ta thấy oan gia nghiệt chướng phải trả liền buổi nầy, không cho thiếu, trả mãn mới thôi.”

         2. BA SẮC DÂN ĐƯỢC HỒNG ÂN ĐẶC BIỆT
     
          Đức Hộ Pháp giảng: có ba sắc dân được hưởng hồng ân đặc biệt của Ðức Chí Tôn đến tạo nghiệp cho họ.
      * Sắc dân thứ nhứt : Là sắc dân Ấn Ðộ Brahmane ( Bà La Môn) Ðức Chí Tôn đến tạo Ðạo cho họ và tạo Ðại Nghiệp Thiêng Liêng cho sắc dân ấy trước nhứt
      * Sắc dân thứ nhì : Chính Ngài đến là Chúa Jésus Christ đặng tạo nghiệp cho sắc dân Do Thái mà ngày nay vẫn còn tồn tại.
      * Sắc dân thứ ba : Thời kỳ nầy sắc dân Việt Nam hưởng được đặc ân ấy.
      4
      Cái lý do Ðức Chí Tôn đến cùng con cái của Ngài là vì trong thời kỳ Hạ Nguơn Tam Chuyển, đang bắt đầu Thượng Nguơn Tứ Chuyển, Ngài đến đặng Ngài thống hợp toàn thể con cái của Ngài lại làm một. Ngài đến đặng lập một nền chơn giáo, lựa chọn con cái của Ngài, tạo Thánh Thể của Ngài làm một cơ quan cứu khổ.
Đến 15 tháng 6 Mậu Tý (1948), Đức Phạm Hộ Pháp giảng về luật nhơn quả vay trả của nhơn loại trong thời kỳ Hạ Ngươn hầu mãn hầu bước sang Thượng Ngươn Thánh Đức:
      Cái quyền năng vô đối của Đức Chí Tôn một nháy mắt không còn một sinh mạng ở quả địa cầu này, chỉ một tích tắc đồng hồ nhơn nào quả nấy trả cho rồi đặng lập đời Thánh Đức mà thôi…Các con nhớ rằng; dữ tận, hiền thăng, mạnh tàn yếu được, nhơn loại trả quả với nhau. Các con chịu cái nạn chung trả từ đời Hồng Bàng đến bây giờ…mừng cho nước Việt Nam trả hết mối nợ tiền khiên mà Tổ Tiên ta đã vay; từ thử bị nô lệ nay không còn nô lệ nữa. Vậy thì oan trái đã trả xong.
      …Nếu không trả vốn lời, nhơn loại không định phận được thì tấn tuồng quỉ vị, Phật vị bất công kia không phương gì định vị cho các đẳng chơn hồn; mà chính cửa Thiêng Liêng Hằng Sống muốn cho có mực thước chánh đáng tức nhiên phải xử, phải xử án cuối cùng mới được...
      Nay qua Thượng Nguơn đây có lẽ lập vị cho một sắc dân mà Ðức Chí Tôn đã dành để làm con tin của Ngài, mà là kẻ đồng bước của Ngài đặng dìu dắt cả toàn nhơn loại đi đến con đường hạnh phúc vô đối đó vậy. Cũng như Ðức Chí Tôn dành để ngôi vị cho nước Việt Nam ngày nay vậy.
                                                  ( Thuyết Ðạo QIII / tr19 )
     
         Sau này, nước Việt Nam còn sống nhiều nhứt nhờ biết chay lạt tu hành…Đức Chí Tôn mở Đạo Cao Đài lấy hai chữ thương yêu làm gốc, công bình, bác ái. Ngày nào toàn thể nhơn loại biết nhìn nhận Đức Chí Tôn là Đấng Cha chung thì ngày đó mới đặng hòa bình vĩnh cửu đó vậy.

          3. SAO GỌI LÀ ĐẠI ÂN XÁ KỲ BA? HỘI LONG HOA KỲ BA? 
       
■  Nhứt Kỳ Phổ Độ có:
· Giáo chủ Đạo Phật: Nhiên Đăng Cổ Phật.
· Giáo chủ Đạo Tiên: Thái Thượng Lão Quân.
· Giáo chủ Đạo Thánh: Văn Tuyên Đế Quân.
Các vị Giáo chủ đã sáng khai nền Đạo, lập thành qui điều luật pháp, an ninh trật tự cho nhơn loại tiến bước trên đường tu tỉnh. Đức Chí Tôn dạy khai Long Hoa Đại Hội Nhứt Kỳ, nên có câu: "Sơ Hội Long Hoa Thanh Vương Đại Hội, Nhiên Đăng Cổ Phật Chưởng giáo Thiên Tôn.” Đức Nhiên Đăng làm chủ Hội, điểm đạo chỉ có 6 ức Nguyên nhơn đắc đạo.

Nhị Kỳ Phổ Độ: 
· Phật giáo thì có Đức Thích Ca làm Giáo chủ.
· Tiên giáo thì có Đức Lão Tử làm Giáo chủ.
· Thánh giáo thì có Đức Khổng Tử làm Giáo chủ.
Sau 551 năm, Đức Chí Tôn cho Đức Chúa Jésus giáng sanh. Sau khi thành lập luật pháp qui điều, Đức Chí Tôn khai Long Hoa Nhị Kỳ Phổ Độ, nên có câu: "Nhị Hội Long Hoa Hồng Vương Đại Hội Di-Đà Cổ Phật Chưởng giáo Thiên Tôn”.Đức Di-Đà làm chủ Hội, điểm Đạo được 2 ức Nguyên nhơn.

■ Đến thời kỳ Hạ nguơn mạt kiếp, tức là thời kỳ qui cổ, chính mình Đức Chí Tôn giáng trần dùng huyền diệu cơ bút, để Tam Trấn Oai Nghiêm thay Tam Giáo Đạo chủ, lập Đạo Vô Vi gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
· Đức Phật Quan Âm chưởng quản Phật giáo.
· Đức Lý Thái Bạch, Đại Tiên Trưởng chưởng quản Tiên giáo.
· Đức Quan Thánh Đế Quân chưởng quản Thánh giáo, gọi là Nho Tông chuyển Thế.
Đây là thời kỳ phổ độ chót, trước khi chấm dứt một chu kỳ tiến hoá của nhơn loại, nên Đức Chí Tôn đại khai Ân Xá cho toàn cả nhơn sanh, nếu ai biết ngộ kiếp một đời tu thì đủ trở về cùng Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu. Tam Hội Long Hoa Bạch Vương Đại Hội,  Đức Di-Lặc Vương Phật sẽ làm Chánh Chủ khảo.
            Quan sát Tòa Thánh Tây Ninh, ta thấy bao lơn nơi mặt tiền Tòa Thánh có bốn cây cột chống đỡ, phân làm hai cặp. Mỗi cặp có một cây đắp hình rồng (Long) quấn cột, một cây đắp hình bông sen (Hoa) quấn cột, nên mỗi cặp cột tượng trưng hai chữ LONG HOA. Còn trên nóc Hiệp Thiên Đài, giữa hai lầu chuông trống là tượng Đức Phật Di-Lặc ngự tòa sen đặt trên mình cọp ( Tượng trưng năm Bính Dần là năm Khai Đạo ). 
Tại Tịnh Tâm Điện, và nơi cổng của Văn phòng Hiệp Thiên Đài, Tòa Thánh Tây Ninh có đôi câu liễn:.

C.1:
Hiệp nhập Cao Ðài bá tánh thập phương qui chánh quả.

C.2:
Thiên khai Huỳnh Ðạo Ngũ chi Tam giáo hội Long hoa.
GIẢI THÍCH:
C.1: Hiệp nhau nhập vào Đạo Cao Đài thì nhơn loại sẽ được trở về ngôi vị Tiên Phật.
C.2: Thiên khai Huỳnh Đạo, Ngũ Chi Tam giáo hội Long Hoa, nghĩa là: Trời mở Đạo Cao Đài, các Đấng trong Tam giáo và Ngũ Chi Đại Đạo tham dự Đại Hội Long Hoa.
 * Thiên: Trời. Khai: mở ra. Huỳnh Đạo: Đạo Vàng. Trong bài kinh Tán Tụng Công Đức Diêu Trì Kim Mẫu, chữ Phái Vàng là chỉ Huỳnh Đạo. Theo Ngũ Hành, màu vàng thuộc Thổ ở tại Trung ương. Huỳnh Đạo là Vô Vi Đại Đạo, lấy Âm Dương làm gốc, lấy Ngũ Hành làm thể, hòa hợp ở Mồ Thổ Trung ương, sắc huỳnh để luyện kim dơn, xuất khiếu hiển thần, đắc đạo tại thế. Huỳnh Đạo là diệu lý của Tam giáo Ngũ chi, lấy nhân nghĩa thành tín làm căn bản, lấy từ bi bác ái làm chuẩn thằng, cứu thế lập đời làm mục đích.
Đặc biệt Huỳnh Đạo là một cơ duyên đại kiếp, kết tụ những nguyên nhơn, những kẻ phước đức ngàn đời để dự Hội Long Hoa, nghinh tiếp Đức Di-Lạc Vương Phật lâm phàm, qui nguyên Tam giáo, hiệp nhứt Ngũ chi, lập tại trần gian đời Tân Dân Minh Đức. Như vậy, Huỳnh Đạo tức là Đạo Vàng, chính là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, do Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế lập nên, gọi tắt là Đạo Cao Đài.
Ngũ chi: năm nhánh, thường nói là Ngũ Chi Đại Đạo, gồm: Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh Đạo, Tiên đạo, Phật đạo. Tam giáo: ba nền tôn giáo lớn ở Á Đông, gồm: Phật giáo, Lão giáo (Tiên giáo hay Đạo giáo) và Nho giáo.
Long Hoa: Đại Hội Long Hoa là một hội thi chung kết sau một giai đoạn tiến hóa dài của nhơn loại, để tuyển chọn những bực hiền lương đạo đức, loại ra những phần tử hung bạo gian tà, thực hiện luật công bình thiêng liêng trong một giai đoạn tiến hóa của Vạn linh trong Càn khôn Vũ trụ. Những người hiền lương đạo đức sẽ được phong thưởng vào những phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật, tùy theo công quả lập được nhiều hay ít; những người hung bạo gian tà sẽ bị chết thảm, linh hồn họ phải chờ đợi, có khi hàng triệu năm để nhập vào một vận hội tiến hóa mới sau nầy.
Đức Phật Di-Lạc sẽ làm Giáo chủ Đại Hội Long Hoa và làm Chánh chủ khảo tuyển phong Phật vị.
 Hội Long Hoa kỳ ba nầy cũng là Hội Điểm Đạo lần ba của Địa cầu 68, là cuộc Điểm Đạo vĩ đại và quan trọng cho tất cả chư Phật, Tiên, Thánh, Thần và những người tiến hóa đủ tiêu chuẩn đạo đức.

4.  ÐÓNG CỬA ĐỊA NGỤC & MỞ HỘI LONG HOA VÀO NĂM TÝ

Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc giảng: Ðức Chí Tôn đã đến 30 năm nay, Ngài đến Ngài nói thật thà chơn chất rằng: Ðại Từ Phụ là ông già nghèo, ông nói trong hai câu thi :
                Tròi trọi mình không mới thiệt bần,
           Một nhành sen trắng náo nương chân.

Ngài đã nói Ngài là ông già nghèo, Ngài đến Ngài dùng một cái để lập Thánh Thể của Ngài mà Ngài giao phó cho một trách nhiệm tối ư quan trọng là phải lập nghiệp cho cả toàn con cái đau khổ của Ngài. Mấy em mới nghĩ lại đó coi, chúng Qua không phải là làm chúa ở toàn cầu nầy hay làm chúa một nước, cũng hai tay trắng mà thôi, hiển nhiên hôm nay chúng Qua đi được một đổi đường nhờ Ðại Từ Phụ dìu dắt và nhờ tay của mấy em đã hy sinh từ giọt mồ hôi, giọt nước mắt mới tạo dựng nên nghiệp Ðạo như thế nầy. Nếu chúng Qua nhìn rằng sự thật thì ta nói nó không phải đủ sang giàu mà ngày hôm nay có thể làm một bóng mát, một cái Nhà Thờ chung cho con cái khổ não của Ngài, để nương bóng Từ Bi của Ngài đặng.
…Trót 30 năm Qua sống chung với mấy em cũng như Thánh Thể của Ngài, mấy em dòm lại coi, đàn anh của mấy em đã già nua, chính mình Qua đây đã 66 tuổi rồi, chẳng lẽ tuổi Qua lột da sống đời đặng vùa giúp tay chơn đầu óc với mấy em mãi mãi. Cái đại nghiệp nầy lưu lại cho mấy em hay chăng là do nơi kế chí của mấy em, mấy em cố gắng đặng lưu lại cho máu mủ, không biết chừng nào đương lối tổ tiên mấy em đã trở bước lại đây họ được hưởng một cái hạnh phúc, công nghiệp của mấy em chút nào hay chút nấy. Ngặt một nổi là cả cái phận sự Thiêng Liêng của Ðức Chí Tôn giao phó trong đấy có nhiều điều buộc ta phải cố gắng làm gấp gấp ngày giờ Ðức Chí Tôn đã định mới đặng. Mấy em cũng đã biết trong Kinh Ðại Tường, Ðức Chí Tôn đã nói rõ
           Hổn Nguơn Thiên dưới quyền Giáo Chủ,
            Di Lạc Vương thâu thủ phổ duyên.
                   Tái sanh sửa đổi Chơn truyền,
              Khai cơ tận độ cửu tuyền diệt vong.

Mấy câu trên Qua không cần giải nghĩa, duy có câu ' Khai cơ tận độ cửu tuyền diệt vong' mấy em biết là thế nào? Ðối với nhơn lọai kể từ ngày hôm nay tức nhiên từ ngày mở Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ cho mãi mãi tới tận thế cái Ðịa Ngục dưới kia đã bị tiêu diệt rồi, Thập Ðiện Diêm Cung đến rước mấy em nó đã vong phế rồi. Mấy em không còn sa xuống cửa Ðịa Ngục, mấy em không còn chịu dưới quyền của Thập Ðiện Diêm Cung, cái đó là trọng hệ hơn hết.
                                   ( Thuyết Ðạo QVI / tr 266 )
     
      D. KHI NÀO MỞ & KHI NÀO BẾ HỘI LONG HOA?

        Bà Bát Nương  Diêu Trì Cung làm thơ hỏi Đức Hộ Pháp:
                        Dám hỏi Đại huynh rõ máy Trời,
                        Chừng nào ba lửa cháy ba nơi.
                        Năm sông đua chảy, năm sông cạn,
                        Bảy núi nổ tan, bảy núi dời.
                        Tận thế Long Hoa sao chẳng thấy,
                        Tai Trời ngạt khí có hay thôi.
                        Rồng bay ngựa chạy cho ai cỡi,
                        Đất dậy dường bao đổi xác Trời.
HỌA                                                      
                        Hành tàng hư thiệt tại Cha Trời,
                        Đông Mậu năm hồ hỏa khắp nơi.
                        Châu ngũ khí hòa tan ác nghiệt,
                        Thất sơn dấy động, thất sơn dời.
                        Thế tiêu xuân kỷ Long Hoa trổ,
                        Thưởng phạt đến cùng Thánh đức thôi.
                        Long Mã ban vương tiêu trận kỵ,
                        Cù phi hải sụp Lý thay Trời.
                                                            PHẠM HỘ PHÁP
          
        Năm 1947,  Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật giáo Hòa Hảo đã gửi Đức Hộ Pháp, Tòa Thánh Tây Ninh một bài thơ như sau:

Kính gửi Hiền Huynh ở Bửu Tòa
Chừng nào khai mở Hội Long Hoa?
Đạo còn bao kỷ năm châu hội,
Đời đến bao lâu thế giới hòa?
Tam giáo qui nguyên ngày nào khởi,
Việt Nam thống nhất buổi nào ha?
Muôn loài đau khổ ai ra cứu,
Mong ước Hiền huynh giải đáp qua.
      HỌA
Di Lạc Minh Vương ngự Thánh Tòa.
Sấm truyền Xuân kỷ Hội Long Hoa.
Mậu Dần “ ba chín” Long Hoa hội.
Bính Tý hai mươi thế giới hòa.
Tam giáo qui nguyên ngày Đạo khởi.
Việt Nam thống nhứt buổi Ma Ha.
Cao Đài tận độ nhơn gian khổ.
Sưu khảo sấm truyền để giải hòa
                                                          PHẠM HỘ PHÁP

      Thật là khó đoán vì theo lịch, ta có Mậu Dần 1938 & 1939 ( tháng Chạp),  và Bính Tý 1936, 1996, 2056…, còn Mậu Tý theo bài thơ trả lời cho Bà Bát Nương sẽ là 1948, 2008, hay 2068…? Thất Sơn là bảy núi nào? Thất Sơn của Châu Đốc hay 7 ngọn đối mà Vatican được xây cất trên đó, hay 7 ngọn núi riêng rẻ nào khác? Thiên cơ bất khả lậu, nhưng Đức Hộ Pháp thuyết đạo về Hội Long Hoa ngày 16-9-Ất Mùi (dl 31-10-1955), giảng giải bài Kinh Đại Tường có đoạn kết như sau:
 “ Tới năm Tý sẽ mở Hội Long Hoa tuyển phong Phật vị tại Tòa Thánh Tây Ninh nầy
 Mấy em phải cố gắng làm cho kịp. Qua nói quả quyết nếu mấy em làm không kịp, qua có qui liễu trước đi nữa thì cái tội ấy về mấy em chớ không phải về Qua, nhớ điều đó. Qua cố gắng tận trung cùng Đạo, tận hiếu cùng Chí Tôn và Phật Mẫu, Qua chỉ ước cho thiêng liêng của mấy em đây nè, nó sẽ hưởng được một điều trọng yếu không biết ngày nào giờ nào, Qua không có thế vì quyền vi định trước được.
 Qua mơ ước làm thế nào cho dòng máu thiêng liêng của mấy em đây nó gặp mặt Đức Chí Tôn đến tại thế nầy, lấy một quyền năng thiêng liêng của Ổng, như Ổng đã đến Đền Thờ Tây Tạng kia vậy. Hễ nói đến Đền Thờ Tây Tạng thờ Đức Chí Tôn, thì đều nghe hiểu. Có lẽ Đền Thánh nầy Đức Chí Tôn thế nào cũng đến, lại chưa đến là vì lẽ gì?

         KẾT LUẬN        
     Các Đấng Thiêng liêng đã tiên tri kỳ Chuyển Thế nầy rất dữ dội, nhơn loại sẽ bị tiêu diệt 90% bởi nhiều cách :
      - Chiến tranh tương tàn tương sát với vũ khí nguyên tử và hóa học tối tân, giết người hằng loạt, cùng đánh nhau rồi cùng chết hết, không có kẻ thắng người bại.
      - Cuộc đại động đất dữ dội làm thay đổi hình thể mặt địa cầu, có nơi thành biển, có chỗ thành non.
      - Hậu quả của tình trạng thay đổi khí hậu sẽ rất thảm khốc. Nhiệt độ tăng trông thấy trong mấy thập niên qua làm cho các phiến băng tan và khiến mực nước biển dâng lên. Các vùng đồng bằng khổng lồ nơi hàng tỉ người đang sinh sống sẽ chịu nhiều nguy cơ lụt lội. Thay đổi khí hậu có ảnh hưởng trực tiếp tới động vật, cây cối và nguồn nước.
      - Bịnh chướng sát hại lan tràn khắp nơi.
      - Cuối cùng, Ngũ hành thay đổi để loại bỏ số nhơn loại có tâm tánh ô trược.
Muốn được sống sót trong Kỳ ba Tận Thế nầy, chúng ta phải lo lập công bồi đức cho nhiều, tu hành chơn chánh, không chút bợn nhơ, từ bỏ ác hành, dù một chút nhỏ, đồng thời mở lòng từ bi, bác ái. Chúng ta còn phải ăn chay trường để thể xác và chơn thần trong sạch nhẹ nhàng.
 Chỉ có 10 % nhơn loại là còn sống sót sau khi Tận Thế, sẽ được tham dự Hội Long Hoa. Trong số nầy, những người có nhiều công đức sẽ đắc phong ngôi vị  Thần, Thánh, Tiên, Phật;  những người hiền lương nhưng ít công đức sẽ làm giống dân trong một thế giới mới gọi là thế giới đại đồng. Địa cầu của chúng ta sẽ bước qua thời kỳ Thượng nguơn của Chuyển thứ tư, gọi là đời Thánh đức theo lời các Đấng dạy.

“...Đức Di Lạc cầm cân cứu thế
Hội Long Hoa tên để phong thần
Thượng ngươn đời lập Tân Dân
Dựng nền dân quốc, xa lần chủ quân
Quê hương hiện cảnh xuân thơ mới
Đạo Nhà Nam vạn đại lưu truyền
Gia vô bế hộ êm đềm
Phật,Tiên,Thần,Thánh giáng miền trần gian
Đạo gom trọn nhơn gian vũ trụ
Gieo giống lành làm chủ năm châu
Từ đây khắp cả hoàn cầu
Âu ca lạc nghiệp dưới bầu trời chung ”
  
         THƠ TIÊN TRI CỦA ĐỨC PHẠM HỘ PHÁP

Hội nghị Âu Châu sắp dọn đường,
Chờ coi gánh hát Thái Bình Dương.
Cả mười sáu nước chung bầu gánh,
Ai lãnh mỗi vai sắp sẵn sàng.
Cờ phất quân hô trống giống ba,
Kép Mỹ, kép Nga chung kép Pháp.
Tướng Tàu, tướng Ấn tướng phiên Nga,
Lão phiên Nga trợ mắt lên.
Cao Ly, Mông Cổ đứng hai bên,
Biển Đông sấm sét ra oai thử.
Hò hét vang lên trổi tiếng rền.
Việt Nam khán giả đứng xem coi.
Lớp nọ tướng kia rất mặn mòi,
Diễn xuất lần nầy là lần chót,
Vui cười không mãn một tiếng thôi.

                         ***

Ráng tu cho kịp Hội Long Hoa,
Đạo đức không chuyên khổ lắm mà.
Chay lạc đặng ngừa hơi khí độc,
Mê man bất tỉnh trận kỳ ba.
Người hiền cứu sống theo phò chúa,
Kẻ dữ bạo tàn xác quạ tha.
Thân Dậu đến đây rồi sẽ biết,
Đinh ninh vẹn giữ mấy lời ta.

                           ***
Vàng thiết lộn vào tự tiên tri,
Tây Ninh chợ ấy hết đường đi.
Tre dài trải nhánh xài thất ức,
Cất xưởng đợi chờ bấy lâu nay.
Tòng bá ngô đồng đâu có lỏi,
Cao già ruột cứng thật quá tay.
Xây hồ đựng nước hồ cũng bể,
Đóng chuồng nuôi vịt, vịt cũng bay.
Giông tố tới đây cây đâu dựa,
Bay nhào vô đậu chật tàu Cao.

                                                ***             

       MƯỜI MÓN BỬU PHÁP BAN CHO NHƠN SANH

Mười món Bửu Pháp linh thiêng
Em nào làm được Thánh, Hiền chẳng sai

                                            ***
        
1. Điều thứ nhứt tuân y luật pháp,
    Đúng chơn truyền của Đức Chí Tôn
    Mặc ai bày vẽ thiệt hơn
    Đạo tâm nhất dạ chẳng sờn lòng son.

2. Điều thứ hai Tông đường trọn hiếu
     Phụ Mẫu ân trọn đạo làm con.
     Vợ chồng trọn nghĩa keo son
     Phận làm cha mẹ trọn tình cùng con.
             
3. Điều thứ ba giữ tròn trai giới
     Dùng tương rau dưa muối hằng ngày
     Sớm chiều thanh đạm trường trai
     Nhẹ nhàng thân xác chẳng hoài công ta
  
4.  Điều thứ tư lánh xa đảng phái
     Không nao lòng đường phải cứ đi
     Không nghe xúi dục lôi trì
     Đức tin mạnh mẻ Tam Kỳ độ sanh.

5.  Điều thứ năm thực hành Phước Thiện
     Giúp đỡ người đau yếu thế cô
     Giúp người tàn tật già nua
     Dưỡng nuôi trẻ nhỏ cút côi não nùng

6.  Điều thứ sáu: dặn lòng hằng bữa
     Chẳng đặng thâu tiền của chúng sanh
     Thanh liêm, trong sạch, chân thành
     Ngôn, Công, Đức, Hạnh tập tành cho siêu.
 
7.  Điều thứ bảy: thương yêu đồng loại
     Như anh em thân ái ruột rà
     Như cùng một mẹ, một cha.
     Đỡ nâng dìu dắt thuận hòa dưới trên.

8.  Điều thứ tám: chẳng nên phản bạn.
     Lòng trung kiên chẳng đặng bội sư
     Công bình bác ái nhơn từ
     Trung Thầy, nghĩa bạn tâm tư sáng lòa.

9.  Điều thứ chín: hiền hòa chơn thật.
     Đừng vong công bội đức lộng quyền
     Ở như các Đấng Thánh Hiền
     Thực hành chữ Nhẫn lưu truyền noi gương.

10. Điều thứ mười: yêu thương mạng sống.
     Trọng mạng người, trọng mạng thú cầm.
     Kính trọng sinh mạng nguyên căn
     Vừa theo Thánh chất Đạo hằng Chí Tôn.
                                                                        
                                          Nữ Đầu Sư Đường tạm ( 1946 )
                                                    PHẠM HỘ PHÁP


VII. HỘI THÔNG THIÊN HỌC

Theo triết lý Thông Thiên Học thì Vũ Trụ có 7 loài :
1. Loài Tinh Hoa Thứ Nhất ( 1er Règne élément)
2. Loài Tinh Hoa Thứ Nhì ( 2è Regne élément)
3. Loài Tinh Hoa Thứ Ba ( 3è Règne élément)
4. Loài Kim Thạch ( Règne minéral)
5. Loài Thảo Mộc ( Règne végétal)
6. Loài Cầm Thú ( Règne animal)
7. Loài người ( Règne humain)
Trên con đường tiến hóa, Tinh Hoa thứ Nhất sẽ thành Tinh Hoa Thứ Nhì, Tinh Hoa Thứ Nhì sẽ thành Tinh Hoa Thứ ba, Tinh hoa Thứ Ba sẽ thành Kim Thạch, Kim Thạch sẽ thành Thảo Mộc. Thảo mộc sẽ thành Thú Cầm, Thú Cầm sẽ thành loài người. Loài người sẽ thành Thần, Thánh, Tiên, Phật. 
Vũ Trụ có nhiều Thái Dương Hệ. Thái Dương Hệ của chúng ta có 7 hệ thống tiến hóa từng bầu nầy sang bầu kia, đến cuối cuộc tiến hóa của một bầu là hết một Nguơn. Một đời của một dãy hành tinh trải qua 7 Nguơn. Sau 7 Nguơn, không phải tất cả loài nào cũng tiến hóa một lượt hết đâu! Vì có một số chậm tiến hóa, không theo kịp đồng loại, đành phải ở lại chịu ở trong cảnh như ngây ngủ trong mấy muôn triệu ngàn năm để cuộc tuần hoàn trở lại thì mới hoạt động để tiến hoá được. Triết lý Thông Thiên học nói đến sự chậm trễ của các loài ở cuối mỗi Nguơn, và khi sự tiến hóa của các loài chuyển qua một bầu hành tinh mới thì bầu hành tinh cũ sẽ mất hết sinh lực, không còn không khí, cây cối và sự sống của các loài nữa, (giống như mặt trăng hiện giờ, là một bầu đã chết.
Theo các vị sáng lập Hội Thông Thiên Học đã có Huệ Nhãn, nhìn thấy cuốn phim của cuộc Tiến Hoá trong Vũ Trụ qua chất Akasha, gọi là Tiên Thiên Di Ảnh (plan akashique) in tất cả những gi  xảy ra trong Vũ Trụ (do hai vị là Nam Tào và Bắc Đẩu nắm luật  Nhân quả), thì hiện nay trái đất đã sống được nửa đời. Xét theo lịch trình tiến hóa thì trái đất đã sống được khoảng 2.156 triệu năm và sẽ sống thêm 2.156 triệu năm nữa mới chết. Trái đất sẽ qua 7 cuộc tuần huờn (đời của một dãy), mỗi cuộc tuần huờn kéo dài lối 616 triệu năm.
        Mỗi Nguơn của một bầu sẽ kéo dài 88 triệu năm. Như vậy, tuổi của trái đất từ khi bắt đầu có sự sống đến khi chết sẽ là 616 x 7 =4.312 triệu năm.
Hội Thông Thiên Học không nói đến Hội Long Hoa nhưng giáo lý có đề cập đến việc các Đấng Giáo Chủ lâm phàm để giáo dục nhân loại ở mỗi chu kỳ nhỏ. Theo truyền ký, Đức Phật Thích Ca đã giao nhiệm vụ này cho Đức DI LẶC BỒ TÁT ( Seigneur Maitreya Boddhisattva), phương Tây gọi Ngài là Đấng CHRIST.
Tiền kiếp của Đức Di Lặc Bố Tát là Đức KRISHNA lâm phàm dạy Đạo ở Ấn Độ. Sau đó, Ngài còn lâm phàm trong ba năm, mượn xác đệ tử Ngài là Đức Jesus để giảng Đạo trong ba năm chót tại Palestine
(C.W.Leadbeater, L´Occultisme dans la mature, Paris, Adyar: 1926, trg. 11, 12 : "Dans ces temps lointaiines, c´était le Seigneur Gautama qui dirigeait ici-bas le domaine de la religion et de l´éducation, depuis, il transmis cette fonction au Seigneur Maitreya, que les occidentaux appellent le Christ, celui-là même qui prit le corps de Jésus pendant les trois dernières années de sa vie sur le plan physique).
Trong Hồi giáo, Ngài có tên Iman Madhi. Ngài giáng trần ở  Anh Quốc có tên St. PATRICK.
Đấng Cai Quản Thái Dương Hệ gọi là Thái Dương Thượng Đế. Còn Đấng Cai Quản Địa Cầu gọi là Đức Ngọc Đế. và các vị phụ tá thành lập một Chánh Phủ Thiêng Liêng Cai Trị Thế Gian gọi là Quần Tiên Hội, đặt Tổng Hành Dinh  ở sa mạc Gobi, Mông Cổ. Nơi đây  còn gọi là Bạch Ngọc Kinh tại quả cầu 68, quang cảnh rất đẹp và vĩ đại, nhưng bằng chất thanh khí của cõi vô hình, mắt thường không thể trông thấy. Còn Bạch Ngọc Kinh của Đức Chí Tôn Cai Quản Vũ Trụ theo Giáo Lý Đạo Cao Đài thì ở tại vị trí Sao Bắc Đẩu, kéo dài hai cạnh của Đại Hùng Tinh và Tiểu Hùng Tinh gặp nhau ở điểm của sao Polstar.
C.W. Leadbeater, loc. Cit. tr. 21, 22, 23 :
"Vous demanderz de vous parler du Grand Être que nous désignons sous le nom de Christ, le Seigneur Maitreya, et de son oeuvre dans le passé et dans l´avenir. C´est à un sujet bien vaste et quelque peu difficille à traiter librement à cause de ces districtions qui s´y rattachent. Il peut être utile de vous dire que, dans le gouvernement intérieur du monde. Il y a ce qu´on peut appeler un département spécialement consacré à l´instruction religieuse: fondation et inspiration des religions, etc. .. C´est le Christ qui est chargé de ce département; parfois il apparait lui-même sur la terre pour fonder une grande religion; parfois encore, il confie cette mission à l´un de ses disciples les plus avancés...
Quand à l´avenement procain du Christ et à son oeuvre je ne sius mieux faire que de vous conseiller de vous en rapporter au livre de Mme Besant: Le Monde de demain. L´avènement du Christ n´est pas éloigné et le corps qu´il doit prendre est déjà né. Tout cela fut décidé il y a des milliers d´années et arrêté, semble-t-il dans les minutieux détails, bien qu´une grande élasticité paraisse avoir été laissé sur d´autr points... Il y a dix neuf cents ans. Apollonius de Tyane fut en mission par la Grand Fraternité mission dont l´un des principaux buts était de créer, dans divers pays certain centres magnétiques... Quelques-uns de cet endroits ont été utilisées, il en reste d´autres qui serviront sous peu dans l´oeuvre du Christ de demain.
Une Grand Partie des détails de cette oeuvre a donc été préparé il y après de mieux mille ans et dans dispositions furent prises dans ce but même, sur le plan physique."
Trong tương lai, Đấng Christ sẽ lâm phàm lập một Tôn giáo lớn để dạy chân lý của khoa Pháp Môn Huyền Bí cho giống dân chính thứ sáu và thứ bảy.  Giống dân nầy sẽ hoàn mỹ về vật chất cũng như tinh thần. Trong vòng 700 năm nữa giống dân nầy sẽ sanh sản tràn lan tại vùng California, chiếm môt châu riêng biệt, sẽ nổi lên từ Thái Bình Dương ở phía Tây nước Hoa Kỳ. Giống dân nầy được mô tả theo thần nhãn của Đức Giám Mục C.W. Leadbeater là một giống dân tiến hóa rất nhiều, họ có nhãn quan để thấy tương lai một cách rõ rệt, đạo đức rất cao, có thể đối chiếu với giống dân của Thời Thượng Nguơn mà các Tôn giáo có nói đến
            Tóm lại, qua các tôn giáo cũng như Hội Thông Thiên học, đều có nói đến những chu kỳ và những biến đổi của Vũ Trụ mà người ta gọi là Long Hoa Đại Hội, Long Vân, Chuyển Thế, Đổi Đời, Tận Thế, Ngày Phán Xét, Ngày Cuối Cùng.... nhưng không có nghĩa là kết thúc hoàn toàn  sự sống trên thế giới, mà chỉ là thanh lọc, chuyển đổi sang một thời kỳ khác của lịch sử.